09:11 16/09/2018 Theo tin từ Công an thành phố, ngày 12-9-2018, qua đấu tranh mở rộng chuyên án “HTG1” với nhóm đối tượng làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Cơ quan An ninh điều tra CATP phối hợp với Công an huyện Tiên Lãng thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Đỗ Thị N. sinh năm 1984, Nghĩa Xá, Lê Chân, Hải Phòng, hiện là cộng tác viên của một cơ quan báo chí, về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.
(ảnh chỉ mang tính minh họa)
Hiện cơ quan An ninh điều tra tiếp tục điều tra, đấu tranh, mở rộng án để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, chỉ trong vòng hơn một năm qua, đây là vụ việc vi phạm hình sự thứ hai liên quan đến một cơ quan báo chí trên địa bàn Hải Phòng.
Cụ thể trước đó, vào tháng 3-2017, cơ quan chức năng cũng tiến hành động thái tương tự đối với 3 người của cơ quan báo trên tại Hải Phòng, về hành vi lợi dụng danh nghĩa nhà báo cưỡng đoạt tiền của công dân.
Là nhà báo, chẳng ai muốn nghe những thông tin này, bởi lẽ đó là tự trọng nghề nghiệp, hơn nữa trên thực tế, đôi khi những người đồng nhiệp vướng vào lao lý có thể chính là những người bạn thương ngày vẫn tác nghiệp với mình.
Tuy nhiên nhìn lại thời gian qua, những vụ việc tương tự liên quan đến nghề báo xảy ra tương đối nhiều, trải suốt từ cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Dù vẫn biết trong nền kinh tế thị trường, cạm bẫy và cám dỗ có nhiều, nhưng nếu tâm thực sự trong, lòng thực sự sáng thì lo gì cạm bẫy và cám dỗ.
Nhiều người cho rằng, nghề báo là nghề nguy hiểm. Nhưng xét cho cùng không hẳn là như vậy, nhất là trong bối cảnh Việt Nam, những gì diễn ra thời gian qua cho thấy, hậu quả phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, kinh nghiệm, nhận thức và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Trong tác nghiệp, mỗi nhà báo có cách tiếp cận khác nhau, mỗi cơ quan báo chí có tôn chỉ khác nhau, vai trò cũng khác nhau.
Có tác giả ngại vấp vào những vấn đề nhạy cảm, có nhà báo thiếu tự tin đến sợ hãi trách nhiệm, có người bỏ qua tất cả để vụ lợi vì lòng tham...
Tục ngữ có câu; “Không có lửa thì sao có khói”, nhìn từ hai phía đều có thể áp dụng. Người làm báo khi thấy khói là mô tả, tìm được lửa lại càng tốt, nhưng để dập nó hay thổi bùng lên vì động cơ nào lại là chuyện khác.
Trở lại với những vụ việc liên quan đến cơ quan báo trên, cho thấy vấn đề không nhỏ trong công tác quản lý của một cơ quan báo chí. Mặt khác, dù họ không thể là đại diện cho tất cả những người làm báo, và dù kết quả điều tra ra sao, thì đây cũng là một nỗi đau của đạo đức nghề nghiệp.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh