09:40 26/09/2018 Theo thông tin từ các phương tiện đại chúng, tại Hà Nội đang triển khai thực hiện đề án “Chương trình Sữa học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
(ảnh chỉ mang tính minh họa)
Được biết, đây là chương trình đã được HĐND TP Hà Nội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 5-7-2018, và có hiệu lực thi hành từ ngày 15-7-2018.
Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2020. Về cơ chế hỗ trợ, đóng góp, ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%.
Riêng đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách khác theo quy định được hỗ trợ 100% từ ngân sách và doanh nghiệp cung cấp sữa.
Có thể nói, đây là một chủ trương hợp lý, góp phần giảm tình trạng thiếu dinh dưỡng, có ý nghĩa dài hạn nhằm nâng cao thể trạng người Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thời gian qua, nhiều ý kiến trái chiều đã được các cơ quan truyền thông đề dẫn.
Chẳng hạn việc một số trường học có dấu hiệu bệnh thành tích, triển khai vận động mang tính bắt buộc và bị phụ huynh phản ứng. Về nội dung này, vừa qua lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã có thông báo nêu rõ, các phụ huynh có quyền tham gia hoặc không tham gia, thậm chí tham gia rồi nhưng có thể dừng bất cứ lúc nào.
Rõ ràng, chương trình rất có ý nghĩa nhưng vì sao lại bị phản ứng? Theo lý giải thì trên thực tế hiện việc lựa chọn uống loại sữa gì, thương hiệu nào và chế độ ra sao vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của các bậc phụ huynh, nên việc thay đổi chỉ nhằm vào một loại sữa khiến phụ huynh lăn tăn cũng là điều dễ hiểu.
Mặt khác cũng có ý kiến lo ngại rằng, quá trình thực hiện nếu không được quản lý chặt chẽ, rất dễ phát sinh những hệ lụy tiêu cực, nhất là những vấn đề liên quan đến trục lợi của một bộ phận, doanh nghiệp hay những người liên quan…? Mà thực tế đã xảy ra ở nhiều chương trình khác trong học đường.
Trên đây là câu chuyện của Hà Nội, nhưng dường như cũng là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương khác, trong đó có Hải Phòng. Cho thấy một chủ trương đúng, được bàn thảo ở nghị trường và đã được HĐND TP thông qua, nhưng nếu không có chính sách tuyên truyền hiệu quả, quá trình áp dụng không thống nhất hoặc thiếu chuẩn mực, cũng rất dễ gặp khó khăn.
Giả như trước khi triển khai áp chỉ tiêu cho các trường, những tổ chức, cá nhân trong cuộc cần tạo ra sự đồng thuận, thì chắc sẽ hiệu quả hơn.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh