15:44 09/10/2021 Đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020, từ đó đến nay trên địa bàn cả nước đã có 4 làn sóng dịch bùng phát, trong đó đợt bùng phát kể từ 27-4-2021 là mạnh mẽ nhất, gây tổn thất nặng nề nhất.
(Hình ảnh minh họa)
Trong mọi thời điểm, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cũng như cả hệ thống chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân, toàn quân ta quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, với quyết tâm đẩy lùi kẻ địch vô hình trên mặt trận không tiếng súng.
Kết quả chúng ta đã lần lượt bẻ gãy từng đợt tấn công của đại dịch, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất vừa qua, khi làn sóng dịch thứ tư bùng lên mạnh mẽ chưa từng thấy, đến lúc này có thể nói chúng ta đã kiểm soát tốt.
Cũng như các cuộc chiến khác, trong chiến đấu cần phải có vũ khí và khí tài quân sự, chỉ khác là trong cuộc chiến chống dịch, vũ khí của chúng ta chính là trang thiết bị, vật tư y tế. Điều khác nữa là nhóm sản phẩm này từ trước đến nay không phải là vũ khí được quản lý đặc biệt như phục vụ quốc phòng, mà là nhóm hàng hóa tham gia tự do vào thị trường, vận động theo quy luật cung cầu.
Bởi vậy, bên cạnh những thành tựu to lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thị trường trang thiết bị, vật tư y tế thời gian qua cũng đã nảy sinh không ít bất cập.
Đặc biệt, gây xôn xao dư luận có thể kể đến vụ việc “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, khi các đối tượng đã có hành vi nâng giá trong mua sắm máy xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại cho Nhà nước 5,4 tỷ đồng, xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, đã được xét xử vào cuối năm 2020.
Thời gian gần đây, trước những diễn biến mới của dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch bệnh linh hoạt của nhiều địa phương đã khiến một số vật tư, thiết bị y tế trở thành nhu cầu xã hội cấp thiết, dẫn đến hiện tượng tăng giá của nhóm sản phẩm này, mà không loại trừ khả năng xuất hiện những yếu tố tiêu cực.
Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần đặc biệt lưu ý, cùng với phòng, chống dịch hiệu quả, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế, thuốc chữa bệnh, vật tư … phòng, chống dịch Covid-19.
Cho thấy, dù trong bối cảnh nào, vẫn xuất hiện những tư tưởng cơ hội trục lợi, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, tổn hại đến tinh thần đại cuộc, rất dễ dẫn đến sự lung lay niềm tin của cộng đồng.
Thiết nghĩ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu trên cần phải được thực hiện thật nghiêm, để bảo đảm kỷ cương Pháp luật, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”, khi mà cuộc chiến chống giặc Covid-19 vẫn còn tiếp diễn.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh