Chuyện thời cuộc: Lại chuyện ùn ứ nông sản

18:29 14/01/2022

Câu chuyện về nông sản xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc mấy tuần nay bị ùn ứ tại cửa khẩu lại trở thành thời sự, thu hút sự quan tâm của cả nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân. Nhưng điều đáng nói, tình trạng này kéo dài liên tục trong nhiều năm, đúng nghĩa là “đến hẹn lại lên”.

(Ảnh minh họa)

Nhìn lại những năm qua, từ một nước nghèo phải nhập khẩu lương thực nói riêng và nông sản nói chung, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu mặt hàng này thuộc diện đứng đầu thế giới. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất, tính cả đường xuất khẩu chính ngạch và hoạt động biên mậu khác. Đặc biệt, với rau củ quả có thể khẳng định Trung Quốc là thị trường trọng điểm, khi tiêu thụ tới 70% sản lượng của Việt Nam.

Đó cũng là lẽ đương nhiên bởi Trung Quốc là nước có nền kinh tế phát triển đứng đầu thế giới, dân số đông nhất thế giới đồng nghĩa với thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Mặt khác, là nước láng giềng nên việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thuận lợi trong việc thỏa hiệp, vận chuyển, tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam, đây là lợi thế rất lớn...

Trở lại với đợt ùn ứ nông sản năm nay, vẫn là nguyên nhân cũ với việc Trung Quốc đóng cửa đường tiểu ngạch, thắt chặt đường chính ngạch để kiểm soát tiêu chuẩn và kiểm soát dịch bệnh. Thẳng thắn mà nhìn nhận, đây là động thái hết sức bình thường trong quan hệ thương mại, không có gì khó dự báo đến mức “đột ngột, bất ngờ”. Bởi lẽ, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cả Việt Nam và Trung Quốc đều phải hướng đến việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, các phương thức cũng như tiêu chuẩn hàng hóa đòi hỏi phải thích ứng.

Vấn đề đặt ra, từ bài học nhiều năm nay đã hiển hiện rất rõ, chúng ta luôn ở thế bị động khi không quy hoạch được nguồn cung và càng chưa thể kiểm soát được biến động của thị trường tiêu thụ.

Có thể nói cả hai điều này đều từ nguyên nhân chủ quan xét về kinh tế vĩ mô, nên hàng hóa xuất khẩu không những có giá trị gia tăng thấp vì chủ yếu là tiểu ngạch, mà còn luôn ở trạng thái thắc thỏm, việc ùn ứ tại biên giới chính là một ví dụ điển hình.

Và mỗi lần như vậy, chúng ta lại tái diễn cách giải quyết kiểu như “vận động giải cứu”, khi biết rõ đó chỉ là những giải pháp cục bộ, có phần hơi nực cười vì việc “giải cứu triền miên” không phù hợp với sự vận động của kinh tế thị trường, mà quy luật cung – cầu là cốt lõi.

Thiết nghĩ, trong sân chơi hội nhập, muốn kéo dài cuộc chơi một cách hiệu quả, đương nhiên chúng ta phải thay đổi, chủ động tham gia chứ không thể theo phương thức cũ.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông