10:45 12/07/2022 Như tin đã đưa, Hải Phòng vừa ra mắt Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố, với 15 thành viên, do Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang làm Trưởng ban. Đây là hoạt động nhằm tăng cường và quyết liệt hơn công tác phòng, chống tham nhũng do Đảng phát động.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng ngày 30/6/2022
Cách đây 10 năm, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.
Nhìn lại chặng đường 10 năm, đánh giá của Trung ương cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế. Đó là, một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh.
Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội...
Bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy, việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực mới rất“nóng”ở tầm vĩ mô, còn kết quả ở cấp địa phương, cơ sở chưa thực sự nổi bật. Chính vì thế, việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các địa phương được xem như là một động thái phù hợp, cấp thiết. Cùng với đó Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Quy định 67-QĐ/TW, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành trực thuộc Trung ương.
Trong đó quy định rõ, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các tỉnh, thành phố “Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương”. Đồng thời “Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Tin tưởng rằng, cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn cả nước tới đây sẽ chuyển sang giai đoạn mới, đem lại những chiến thắng mới. Như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của Nhân dân”.
Hoàng Minh
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh