16:21 07/01/2022 Đang mùa covid-19, tôi không đi chạy bộ ngoài công viên như mọi hôm, mà đứng trên vỉa hè đầu ngõ nhà vươn vai, nhún chân. Chợt thấy ông hàng xóm đứng gần đấy nhìn ngược trông xuôi, thoạt đầu tưởng ông này cũng đang tập thể dục, nhưng nhìn dường như không phải, mới hỏi: “Này chú Tuấn, đánh mất cái gì thế?”.
(Ảnh minh họa)
Ông hàng xóm trả lời: “Em đang ngắm tìm chỗ đỗ cái xe!”. Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên: “Xe điện thì dựng chỗ nào chả được mà phải ngắm?”. Ông hàng xóm quay sang phân trần: “Dạ không, em chuẩn bị dồn tiền mua cái ô tô thi thoảng về quê, đang ngắm chỗ khi không đi đến còn đỗ, chứ gửi trong bãi thì tốn tiền lắm”.
Tôi càng ngạc nhiên hơn, mở to mắt nhìn thẳng vào ông hàng xóm: “Nghĩa là chú định chiếm luôn lòng ngõ khu mình làm bãi đỗ xe nhà chú á?”. “Vâng, thiên hạ người ta vẫn chiếm cơ mà, bác không nhìn thấy kia à?” Vừa nói, chú Tuấn vừa chỉ về phía chiếc xe sang trọng đỗ dưới lòng ngõ phía trước.
Giờ tôi mới nhớ, từ mấy năm nay chiếc xe này vẫn đỗ ở đó, trừ lúc chủ xe sử dụng còn thì phủ bạt án ngữ thông ngày, thông đêm ngay lối rẽ từ ngõ ra, mấy lần tôi đi xe máy sơ sểnh suýt đâm phải.
Ông hàng xóm nói tiếp: “Người ta đỗ được mà chẳng thấy cơ quan chức năng hay chính quyền nào nhắc nhở, thì mình cũng đỗ được chứ sao, mà ngoài đường mới lo phạt, chứ trong ngõ có ai quản lý đâu?”.
Lúc này tôi mới sực tỉnh, hóa ra ngõ nhà tôi cũng như nhiều ngõ khác trên địa bàn thành phố, tên là ngõ nhưng vốn dĩ từ khi sinh ra đã rất rộng, lại thông tuyến sang nhiều đường phố khác, nên xe cộ qua lại chẳng khác gì các tuyến đường chính.
Chỉ có điều vì không phải phố chính, nên những năm qua người ta mặc nhiên tràn ra lấn chiếm, người mở quán điểm tâm buổi sáng, người dựng lán bán cơm trưa, rồi quán rửa xe, quán xá khác đủ các loại mà chẳng thấy ai quản. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phố chính nhiều nơi bị cấm, ngõ nhà người ta dồn về chiếm ngự càng nhiều, nhưng dường như chẳng thấy ai nhắc nhở.
Nghĩ vậy, nhưng giờ thấy ông hàng xóm bàn đến chuyện chiếm ngõ làm nơi đỗ xe riêng liên quan trực tiếp đến “quyền lợi đi lại” của mình, tôi lựa giọng thỏ thẻ: “ Thôi thôi chú ơi, người ta sai thì kệ người ta, mình lại bắt chước cái sai của họ làm gì, ai cũng vô ý thức thế thì xã hội này loạn à?”.
Ông hàng xóm nhìn tôi cười tít mắt: “Bác tưởng thật à, tiền ăn còn không đủ lấy đâu ra tiền mua xe, chẳng qua em thấy chướng mắt nên đang nghĩ cách góp ý với họ nên nói vậy thôi”.
Tôi vỡ lẽ, đưa nắm đấm gõ gõ vào tay ông hàng xóm thay cho cái bắt tay theo phong cách mùa dịch, rồi hai anh em cam kết sẽ hợp tác góp ý với chính quyền, để dẹp cái hình ảnh tiền lệ xấu kia đi. Với lý lẽ đơn giản, đã là tài sản công cộng thì phải có người quản lý chứ, ai lại để tồn tại những hành vi vô ý thức như thế bao giờ?
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh