Chuyện thời cuộc: Nguồn gốc hàng hóa

15:24 09/12/2022

Càng về cuối năm, câu chuyện về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa càng được nhắc đến nhiều, nhất là trong các nội dung liên quan đến việc chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại.
Hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ củng cố niềm tin của người tiêu dùng (ảnh minh họa).

          Với cách hiểu thông thường tiếp cận theo góc độ tiêu dùng, thì nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thể hiện sự minh bạch của hàng hóa từ quá trình sản xuất, lưu thông đến phân phối bán lẻ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như tạo môi trường bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên cách hiểu này chỉ đúng trong không gian hẹp.

          Còn theo Công ước quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được xác định: “là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.

          Như vậy, việc làm rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa minh bạch tiêu dùng thị trường trong nước, mà quan trọng hơn là nó liên quan trực tiếp đến các hoạt động thương mại quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Theo các quy tắc mà Việt Nam thỏa thuận tại các thỏa thuận thương mại, nhất là các hiệp định thương mại tự do.

          Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), khái niệm xuất xứ hàng hóa được đề cập nhiều. Nhưng trong thời gian khá dài, khái niệm này xuất hiện chủ yếu dẫn chứng cho các nhóm hàng hóa xuất khẩu, bởi Việt Nam là nước đang phát triển, được thụ hưởng nhiều chế độ ưu tiên khi xuất khẩu hàng hóa sang nước khác. Đây cũng chính là lý do mà cơ chế gia công đang chiếm tỷ lệ cao trong tổng thể các ngành sản xuất tại Việt Nam, là mặt trái của quá trình thu hút đầu tư ồ ạt.

          Trong một điễn biến khác, bản thân Việt Nam là một thị trường lớn, có dân số 100 triệu người, với sức tiêu thụ khổng lồ, nhất là sản phẩm tiêu dùng mà cơ bản trong nước chưa thể tự chủ. Lợi dụng điều này, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đã hô “biến” sản phẩm nước ngoài, nhiều nhất là từ Trung Quốc thành hàng “made in Việt Nam” để dễ bề tiêu thụ. Nói cách khác, đây là một dạng trá hình của “buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại”

          Dù nhiều vụ việc đã được phát hiện, nhưng hệ thống pháp luật vẫn bộc lộ bất cập, nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Hệ quả là không chỉ người tiêu dùng trong nước bị thiệt hại, ngân sách bị thất thoát, mà hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam cũng gặp những trở ngại khi nước ta tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

          Rõ ràng, khái niệm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của Việt Nam cần phải được định nghĩa lại, bao hàm tổng thể hơn, nhằm hoàn thiện những quy định, đảm bảo tính minh bạch thị trường và các lợi ích hợp pháp trong tình hình mới. Để từ đó, môi trường sản xuất kinh doanh được bình đẳng hơn, tạo cơ hội thúc đẩy những phân ngành kinh tế thực sự tự chủ.

          Vẫn biết việc thay đổi mỗi cơ chế chính sách dù ít hay nhiều sẽ tác động đến một bộ phận cộng đồng xã hội cũng như doanh nghiệp, nhưng thiết nghĩ đây là điều rất cần thiết, hướng tới yêu cầu phát triển bền vững.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông