16:28 07/01/2022 Trong một cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu HĐND TP gần đây, cử tri quận Ngô Quyền kiến nghị nên giữ nguyên tên công viên Máy Tơ như hiện nay, thay cho đề xuất đặt bằng tên khác. Kiến nghị này được cho là thỏa đáng, bởi công viên Máy Tơ bản chất được cải tạo từ khu vực sân vận động Máy Tơ, đều là những công trình công cộng vốn dĩ gắn bó với người dân vùng lân cận từ nhiều năm nay, bản thân tên gọi Máy Tơ có nguồn gốc khá rõ, trải qua thời gian đã hình thành giá trị văn hóa, lịch sử?
(Ảnh minh họa)
Trên thực tế, việc đặt tên các công trình công cộng của Hải Phòng cũng như cả nước, nhiều nhất là tên các đường, phố, công viên, trường học… gắn với các địa danh lịch sử, dấu ấn và nhân vật văn hóa, lịch sử đã trở thành hoạt động quen thuộc, và điều này cũng không chỉ riêng Việt Nam mới thực hiện.
Tên gọi công trình công cộng không chỉ tôn vinh hay ghi nhận giá trị, sự cống hiến của các danh nhân hoặc sự kiện, mà còn mang tính nhân văn cao, gồm cả ý nghĩa về văn hóa, giáo dục, làm sống động hơn hình thức đánh giá của lịch sử. Cũng đồng thời góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính.
Đối với Hải Phòng, những năm gần đây, kinh tế – xã hội của thành phố Hải Phòng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cơ sở hạ tầng, nhiều đường, phố, công trình công cộng lớn được xây dựng và mở rộng, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan đô thị.
Tuy nhiên theo đánh giá, một số đường, phố, công trình công cộng hiện nay chưa được đặt tên, vì vậy nhu cầu về đặt tên một số đường và công trình công cộng là rất cấp thiết.
Được biết thành phố đã xây dựng đề án, xây dựng quỹ tên các công trình công cộng, nhưng trên thực tế, theo ý kiến của một số người dân, việc triển khai thực hiện vẫn bộc lộ những bất cập.
Chẳng hạn khi tiến hành khảo sát xây dựng các đồ án, dự án, tên công trình hay dựa theo cách gọi cũ, được sử dụng trong các văn bản hành chính. Bởi vậy, cách gọi này ăn sâu vào cộng đồng, khi có tên mới muốn thích nghi phải cần một thời gian khá dài.
Đơn cử như đường Phạm Văn Đồng, dù được đặt tên gần hai chục năm qua, nhưng nhiều người gọi là đường 14 hay đường 353. Hoặc như công trình cầu Rào, lần lượt được gọi là cầu Rào 1, cầu Rào 2 và tới đây sẽ có cầu Rào 3? Mà thực tế sự quan hệ về tên gọi giữa các cây cầu này cơ bản không tạo ra dấu ấn. Từ năm 2020 cầu Rào 2 được đặt tên là cầu Võ Nguyên Giáp, nhưng tên gọi cũ cũng khó mà quên trong một sớm, một chiều.
Khỏi phải bàn đến ý nghĩa của việc đặt tên các công trình công cộng, nhưng thiết nghĩ việc đặt tên nên được chủ động hơn, các cơ quan liên quan nên tiếp cận và nhập cuộc ngay từ khi các công trình còn manh nha ý tưởng, thể chế hóa đồng bộ tên gọi. Để tránh những hệ lụy không đáng có, mà kiến nghị của cử tri về tên gọi công viên Máy Tơ chỉ là một ví dụ.
Vẫn biết hiện mỗi cơ quan, đơn vị được giao một chức năng khác nhau, nhưng tên gọi rất cần sự thống nhất, bởi đối với người dân, dù cơ quan nào, đơn vị nào, thì đó vẫn là… thẩm quyền Nhà nước.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh