15:31 24/06/2022 Ngày 21/6 vừa qua, tại khu vực đường nội bộ thuộc Khu công nghiệp VSIP (Thủy Nguyên) đã xảy ra vụ va chạm giữa ô tô và xe đạp, khiến 1 người tử vong. Vụ việc đang được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, nhưng những thông tin ban đầu cho thấy, nạn nhân là người đang tập thể dục bằng xe đạp.
(Ảnh minh họa)
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ tai nạn tương tự trên địa bàn thành phố, và hầu hết các vụ việc thiệt hại thuộc về người điều khiển xe đạp, va chạm với phương tiện cơ giới.
Những năm gần đây, phong trào tập thể dục phát triển mạnh mẽ tại Hải Phòng với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức đạp xe, đi bộ… Đó là nhu cầu chính đáng để rèn luyện sức khỏe, nhất là những người từ tuổi trung niên trở lên. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là việc một bộ phận không nhỏ người tập thể dục bằng hình thức này đã và đang gây ra những hệ lụy không đáng có trong giao thông công cộng.
Hàng ngày, tập trung cao điểm vào các buổi chiều muộn tại những tuyến đường đẹp như Lê Hồng Phong, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và một số tuyến khác, không khó để nhận thấy nhiều người đi xe tập thể dục “chiếm dụng” các tuyến giao thông.
Có người phóng với tốc độ cao lạng lách, vượt ẩu, thậm chí lấn làn với những tình huống bất ngờ, tiềm ẩn nguy cơ va chạm. Cũng có những người vừa đi vừa trò chuyện, đi hàng đôi, hàng ba dẫn tới cản đường tiến của những phương tiện khác. Còn có không ít người đi bộ vô tư “tràn” xuống lòng đường.
Trong khi đó, thời điểm nhiều người tập thể dục bằng xe đạp, đi bộ cũng trùng với thời điểm tan tầm, vì vậy mật độ phương tiện tham gia giao thông rất cao, bao gồm cả xe máy, ô tô, nên nguy cơ tai nạn xảy ra càng lớn. Chưa kể không ít hành vi có phần thiếu ý thức của một số người tập thể dục, vô tình tạo ra hình ảnh phản cảm về văn minh đô thị.
Tất nhiên, những biểu hiện tiêu cực trên chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số đông người vừa thể dục vừa tham gia giao thông, nhưng cũng cần những chấn chỉnh nhất định trong nhận thức cá nhân cũng như ý kiến cộng đồng.
Bởi rất có thể trong tâm thức không ít người, cho rằng đã “đi xe đạp” hay “đi bộ” thì không nhất thiết phải tuân thủ quy định giao thông, hoặc cho rằng lực lượng chức năng cũng “ít khi” xử lý các hành vi vi phạm tương tự?
Nhưng dù hãn hữu, khi xảy ra các vụ va chạm, hậu quả nặng phổ biến thuộc về người điều khiển xe đạp, đi bộ, mà vụ việc vừa xảy ra ở Khu công nghiệp VSIP chỉ là một ví dụ hết sức đau lòng.
Cho thấy, dù là hoàn cảnh nào, khi đã tham gia hoạt động cộng đồng cần tuân thủ những nguyên tắc chung, bao gồm cả quy định pháp luật và phương pháp ứng xử phù hợp.
Hy vọng rằng mỗi người vừa thể dục, vừa tham gia giao thông sẽ nhận thức đúng đắn hơn hành vi của mình, để đảm bảo mục đích rèn luyện sức khỏe cũng được mạn nguyện, bản thân được an toàn và xã hội cũng bình yên.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh