15:25 15/11/2021 Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động tới mọi mặt trong đời sống kinh tế, xã hội, tạo ra những biến cố chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh những vấn đề liên quan đến sức khỏe, việc làm, thu nhập của người dân, những tổn thất về vật chất, nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp và nhà nước, dịch bệnh cũng để lại những hệ quả tiêu cực tới thị trường lao động.
Người lao động làm việc tại Khu công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng
Nhìn lại trong nửa năm "oanh tạc" của đợt dịch lần thứ tư, kể từ tháng 4-2021, khi hoạt động của doanh nghiệp đình trệ, người lao động mất việc làm, đồng nghĩa với thu nhập bị giảm sút, thậm chí không còn thu nhập.
Trong hoàn cảnh mà bản thân người lao động cũng bị cuốn vào vòng xoáy, vừa lo kế sinh tồn, vừa gồng mình chống chọi với dịch bệnh, một bộ phận không nhỏ người lao động không trụ vững trong kết cấu lao động của xã hội, đã bị bật ra hoặc tự rời bỏ.
Đó có lẽ chính là nguyên nhân tạo ra làn sóng người dân rời bỏ các thành phố lớn để hồi hương ở TP Hồ Chí Minh và một số trung tâm lao động phía Nam, được phản ánh trên mọi phương tiện thông tin thời gian qua. Chưa kể, đây cũng là một trong những nguyên nhân căn bản, đang góp phần phát tán dịch bệnh từ các vùng nguy cơ cao, đến mọi địa phương trong cả nước hiện nay.
Điều đó cũng cho thấy, bên cạnh nhiệm vụ ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ổn định an sinh xã hội cho cư dân tại chỗ, công tác ổn định thị trường lao động cũng cần được đặt ra đúng tầm.
Theo khái niệm chung, thị trường lao động là thị trường của sức lao động, của các chủ thể tìm việc làm và các chủ thể tạo ra việc làm, bao gồm các hoạt động thuê mướn, cung ứng lao động để thực hiện những công việc nhất định, xác định các điều kiện lao động, tiền công và các phúc lợi phải trả cho người lao động.
Nhưng trên thực tế, lâu nay việc vận hành và quản lý thị trường lao động có lẽ chưa thể hiện đúng nghĩa thị trường, phần lớn nghiêng về tự phát và tự quản. Các mối quan hệ lao động được thiết lập chủ yếu dựa trên ý chí thỏa thuận song phương giữa người sử dụng lao động và người lao động, thiếu sự can thiệp tích cực của hệ thống quản lý nhà nước.
Việc nắm thông tin, dữ liệu về người lao động của các cơ quan quản lý chuyên ngành cũng chủ yếu được tổng hợp qua các báo cáo, và cũng phần nhiều chỉ để phục vụ cho một số nhiệm vụ phát sinh cụ thể, chưa trở thành công tác thường xuyên, liên tục.
Hoạt động lao động phân tán, cục bộ, chưa kết cấu thành hệ thống thị trường hoàn hảo, tạo ra những kẽ hở trong phân phối sức lao động, ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa các bên, đôi khi để hao phí nguồn lực.
Những hạn chế nêu trên tồn tại từ lâu, và càng bộc lộ rõ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua. Vấn đề người lao động bỏ việc vì khó khăn, mất việc vì doanh nghiệp ngừng trệ hoạt động, cùng những giải pháp xử lý chuẩn mực theo các quy phạm pháp luật để bảo vệ hài hòa lợi ích chính đáng của cả doanh nghiệp sử dụng và người lao động đã trở thành một vấn đề không nhỏ trong an sinh xã hội. Trong đó Hải Phòng cũng không phải ngoại lệ.
Thiết nghĩ, Hải Phòng là thành phố đang phát triển nhanh, nhu cầu sử dụng lao động rất lớn, bao gồm cả lao động tại chỗ và lao động nhập cư, từ bài học đối với thị trường lao động TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vừa qua, thành phố cần có những cơ chế chủ động, cụ thể, để vận hành và duy trì ổn định thị trường lao động.
Từ đó để phân khúc lao động được nhìn nhận xứng đáng, rõ nét trong đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh