Chuyện thời cuộc: “Thiên tai” và “Nhân họa”

10:57 03/08/2018

Đợt mưa lớn kéo dài đã đem đến những thiệt hại nặng nề cả người và của ở hầu hết ba miền Bắc – Trung – Nam. Trong đó, những thông tin về lũ, lụt, sạt lở nghiêm trọng diễn ra gần đây là vô cùng lo ngại.

Hình ảnh lũ quét ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (ảnh Internet)

Ở Yên Bái, ngày 22-7 vừa qua lũ quét đã nhấn chìm nhiều bản làng ở huyện Văn Chấn. Theo một báo cáo của tỉnh, trận lũ lịch sử này khiến hơn 30 người chết hoặc mất tích, 11 người bị thương, 4.170 ngôi nhà bị thiệt hại, 3.356 nhà bị ngập nước. Trước đó, ngay từ những đợt mưa đầu mùa, nhiều đợt lũ quét đã khiến các tỉnh miền núi như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu thiệt hại nặng.

Còn những ngày gần đây, tình hình thiên tai theo chiều hướng xấu tiếp tục gia tăng, trong khi người dân ở  TP Hạ Long phải đối mặt với nạn “bùn tràn”, thì ngay ở Thủ đô Hà Nội, phương án sơ tán khoảng 14 nghìn dân tránh lụt cũng đã sẵn sàng.

Ở một diễn biến khác, vào chiều 30-7, nhiều ngôi nhà xây kiên cố ở phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình đột nhiên đổ ụp xuống sông, hiện hàng chục ngôi nhà khác cùng vị trí cũng đang có nguy cơ tương tự.

“Thiên tai”, nghe qua tưởng như rất khách quan. Và mỗi lần như thế, phong trào “lá lành đùm lá rách” lại diễn ra trên phạm vị cả trong và ngoài nước. Nhưng trong lúc từng đoàn người nối nhau “chảy” về vùng thiên tai với nỗi niềm “tương thân, tương ái” sâu sắc, thì những thông tin về tiêu cực của một bộ phận cán bộ công quyền, nói cách khác là “nhân họa” ở chính những vùng cần cứu trợ lại khiến người ta mủi lòng.

Trong đó đỉnh điểm có thể kể đến sai phạm của nhiều cán bộ cao cấp tỉnh Yên Bái năm trước, hay gần đây tâm điểm chú ý lại tập trung vào gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La… cũng liên quan đến nhiều cán bộ.

Vấn đề đặt ra là, nếu đi sâu vào mối quan hệ giữa “thiên tai” và “nhân họa”, liệu có gì đó logic nhau chăng? Giả như những khoản tiền bị thất thoát vào túi riêng được đầu tư vào công tác phòng hộ cứu hộ, thì rất có thể lũ sẽ bớt to và lũ cũng bớt dữ dằn, đời sống nhân dân vùng thiên tai sẽ bớt khổ?

Còn ở một góc nhìn khác, mỗi khi nghe tin nhiều căn nhà kiên cố “rơi” xuống sông, nhiều người lại nghĩ đến nạn khai thác tài nguyên lòng sông. Và nghe đến lụt ở đồng bằng, người ta lại lo hậu quả xảy ra bởi những vi phạm hành lang đê điều, công trình thủy lợi có vấn đề.

Hay như nỗi lo “bùn tràn” ở thành phố du lịch Hạ Long, không ít người nhớ ngay đến những núi đất thải không lồ do khai thác than tạo ra… Rõ ràng, đó là những nguy cơ có nguồn cơ của “nhân họa”, chứ đâu chỉ giản đơn là “thiên tai”.

Hy vọng rằng, trong lúc cuộc chiến chống tham nhũng do Đảng phát động đang dâng cao và đạt được nhiều kết quả tích cực, thì những mối “nhân họa” gắn với “thiên tai” diễn ra mỗi mùa mưa lũ cũng cần phải được ngăn chặn.

Được như vậy, niềm tin của nhân dân với Đảng sẽ càng thêm củng cố, và những chuyến hàng cứu trợ chảy về vùng lũ lụt sẽ càng thêm nhiều ý nghĩa nhân văn.

  Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông