08:30 07/08/2019 Trong thời đại bùng phát của công nghệ thông tin, bên cạnh những tiện ích không thể phủ nhận, sự lan tỏa của hệ thống thông tin mạng cũng đem lại nhiều hệ lụy tiêu cực. Và một trong những điều được nhắc đến nhiều chính là vấn nạn tin giả (Fake News).
(Hình ảnh minh họa)
Trên thực tế, tin giả đã xuất hiện khá lâu, nhưng nay được sự hỗ trợ từ các mạng xã hội nên có cơ hội lan truyền mạnh mẽ. Trong đó có những tin giả mang nội dung xấu độc vụ lợi chính trị, có những tin giả nhằm vụ lợi kinh tế, nhưng cũng có những tin giả chỉ đơn thuần là ngẫu hứng của “tác giả”, gây trí tò mò hoặc “câu view” để được nổi tiếng.
Thời gian qua, tin giả độc hại có nhiều, nhưng phổ biến nhất là hai dạng động cơ hướng tới. Thứ nhất là xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, bôi nhọ uy tín các đồng chí lãnh đạo, chống phá chính quyền trong âm mưu “diễn biến hòa bình”; thứ hai là dạng tin kích động hằn thù, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ mối quan hệ của Việt Nam với quốc tế nhằm làm suy yếu nền kinh tế chính trị Việt Nam. Mà những tin liên quan đến sức khỏe các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước hay tình hình biển Đông gần đây là những ví dụ điển hình.
Nguồn tin giả chủ yếu có sự can thiệp của các thế lực thù địch ở nước ngoài, với sự tiếp tay của một số phần tử trong nước. Có thể thấy bất cứ sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội lớn nào diễn ra ở trong nước, đều xuất hiện những luồng tin giả với góc tiếp cận hằn học, bóp méo sự thật. Thủ đoạn chung là lợi dụng tính hiếu kỳ và tâm lý thích suy diễn của độc giả, nên đôi khi có những tin được tạo dựng 100% giả mạo, vẫn lung lay tư tưởng không ít người.
Có thể thấy, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật hiện đại, nguồn tin giả ngày càng xuất hiện nhiều và lan tỏa nhanh, thậm chí hình thành cả một “công nghệ chuyên sản xuất tin giả”. Đáng tiếc, nguồn tin giả đã khiến một bộ phận không nhỏ độc giả tin là thật, tạo hiệu ứng tiêu cực cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, tổn hại lợi ích quốc gia. Thay vì việc cần kiểm chứng, đánh giá, phân tích để làm rõ, nhiều người còn chia sẻ trên các trang cá nhân hoặc mạng xã hội, thậm chí có cả một số cơ quan báo chí chính thống đôi khi cũng “sập bẫy” với tin giả.
Trên thực tế, vấn nạn tin giả không chỉ có ở Việt Nam, mà đã thành một căn bệnh của cả thế giới. Quan điểm chung cho thấy, bên cạnh những giải pháp mang tính khắc phục hậu quả, công tác phòng ngừa mới thực sự quan trọng, mà trách nhiệm một phần phải từ chính độc giả. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện cơ chế pháp lý để phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm đối với những tin giả xấu độc cũng như những đối tượng có hành vi tung tin giả với chủ ý xấu cũng cần nhanh chóng được thực hiện, vì một xã hội lành mạnh.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh