09:48 16/04/2019 Văn phòng Chính phủ vừa đề nghị các bộ, ngành, địa phương thí điểm không gửi và nhận văn bản giấy với 21 loại văn bản điện tử đã dùng chữ ký số. Trừ văn bản mật, những văn bản khác được gửi và nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, gồm nghị định, quyết định, thông tư, giấy mời, công văn, công điện...
(Ảnh minh họa)
Thời gian thí điểm từ nay đến giữa tháng 5-2019. Cùng thời gian này, lãnh đạo các đơn vị được yêu cầu hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật để quản lý văn bản điện tử.
Sau đó, nội bộ các cơ quan hành chính sẽ dùng văn bản điện tử thay văn bản giấy. Dựa trên kết quả thí điểm, Văn phòng Chính phủ sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về gửi, nhận văn bản điện tử.
Trước đó, ngày 12-7-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Theo đó, việc gửi, nhận văn bản điện tử phải thực hiện theo nguyên tắc quy định của Luật Giao dịch điện tử và phải tuân theo các quy định khác của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, an ninh, an toàn thông tin và văn thư, lưu trữ.
Văn bản điện tử đã ký số theo quy định của pháp luật được gửi, nhận thông qua hệ thống quản lý văn bản có giá trị pháp lý tương đương văn bản giấy và thay cho việc gửi, nhận văn bản giấy.
Có thể nói, những động thái nêu trên đang thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc hiện thực hóa mô hình Chính quyền điện tử, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng, khái niệm này đã được nhắc đến từ lâu, nhưng trên thực tế chưa đạt được hiệu quả và đồng bộ.
Bên cạnh những địa phương, những ngành triển khai tốt, vẫn tồn tại hình thức chiếu lệ hoặc thực hiện song song nhiều dạng ban hành văn bản. Điều này không những gây tốn kém công của và thời gian, mà còn phát sinh nhiều bất cập.
Rõ ràng, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc ban hành văn bản điện tử là điều tất yếu, giúp hệ thống triệt thoái được nhiều khâu trung gian, đồng thời góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính.
Về mặt kinh tế, theo tính toán chỉ riêng việc ứng dụng Trục liên thông văn bản quốc gia, đã tiết kiệm cho ngân sách 1.200 tỷ đồng/năm, từ việc không phải dùng đến giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, thời gian... bằng các phương thức truyền thống.
Mặt khác, ứng dụng công nghệ cũng phản ánh tính thực chất trong lộ trình hội nhập phát triển của Việt Nam, và điều quan trọng hơn là để các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, giảm bớt sự rườm rà không cần thiết nhằm phục vụ hiệu quả nhu cầu tiến bộ xã hội.
Hy vọng rằng, cùng với nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các địa phương cũng cần nhận thức đầy đủ hơn về tiện ích này.
Hoàng Minh
11:40 11/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh