12:40 16/02/2023 Tết Nguyên đán Quý Mão đã đi qua, những nỗi lo về biến động thị trường hàng hóa, nhất là nhóm hàng thực phẩm thiết yếu đã không xảy ra, về cơ bản thị trường Hải Phòng đã có một cái tết ổn định. Bên cạnh những vấn đề thuộc về chính sách, có thể nói sự chủ động, linh hoạt trong cung ứng của đội ngũ các doanh nghiệp, các tiểu thương ở cả các trung tâm thương mại lẫn chợ truyền thống đã góp phần rất lớn.
Tuy nhiên, cũng như những năm trước, sự chủ động, linh hoạt của hệ thống chợ truyền thống thực chất có phần vượt trội ở nhóm các chợ ngoài luồng, bao gồm chợ đường, chợ cóc, chợ tạm… cũng đáng để suy ngẫm.
Có thể nói, những vấn đề liên quan đến dạng chợ này đã được nhắc đến nhiều, phần lớn các quan điểm chính thống đều muốn dẹp bỏ. Nhưng thực tế thì sự tồn tại vẫn hiện hữu, dù ở nhiều khu vực và nhiều năm qua chính quyền cơ sở cũng đã triển khai các biện pháp nhằm chấn chỉnh, kiểm soát.
Theo một số liệu thống kê, đóng góp doanh thu các loại của khu vực thương mại ngoài nhà nước luôn chiếm hơn 90%, phần nhỏ còn lại thuộc về khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Điều này có thể nói là kết quả của hướng đi đúng, khi cơ chế mở đã tạo điều kiện tốt khuyến khích kinh tế tư nhân, phát huy hiệu quả các nguồn lực của xã hội. Cũng có quan điểm cho rằng, nhìn từ hướng tích cực, giao dịch thương mại của khu vực chợ ngoài quy hoạch đang chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng doanh thu của phân ngành kinh tế thương mại.
Toàn thành phố hiện chỉ có hơn 150 chợ truyền thống được xếp hạng, nghĩa là so với quy mô hàng hóa trao đổi thì còn quá khiêm tốn. Vì vậy các dạng hình chợ, cửa hàng tự phát trên các tuyến ngõ phố vẫn là kênh phân phối hàng hóa chủ lực.
Cần phải thấy rằng, lợi thế của chợ truyền thống là phân bố theo mạng lưới trên nền tảng phát triển lâu đời, phân bố rộng khắp với phương thức giao dịch trực tiếp.
Nhưng bên cạnh đó, khu vực thị trường này cũng phát sinh những bất cập không nhỏ về công tác quản lý hàng hóa, quản lý giá, chất lượng và cả về nguồn gốc hàng hóa, cũng như trách nhiệm ngân sách và hệ lụy xã hội khác.
Là thành phố lớn, với lợi thế cảng biển, Hải Phòng từ lâu đã là trung tâm buôn bán của khu vực vùng duyên hải Bắc Bộ. Mặc dù vậy trong mấy năm gần đây, việc thực thi quy hoạch phát triển thương mại truyền thống trong cơ chế thương mại chung chưa đáp ứng được yêu cầu, càng chưa tương xứng với tốc độ phát triển.
Sự xuất hiện của các trung tâm thương mại kiểu mới đang dần làm thay đổi diện mạo thành phố, góp phần cải thiện phương pháp mua sắm, tiêu dùng của người dân.
Cho thấy, phát triển nền thương mại hiện đại đang là xu hướng tất yếu, nhưng khai thác hệ thống chợ truyền thống với những tiện ích không thể phủ nhận cùng là điều hết sức quan trọng, đòi hỏi thành phố cần có cơ chế rõ nét hơn để cân đối sự bình đẳng của thị trường.
Trong đó cần có hướng đi cụ thể cho ưu tiên phát triển thương mại hiện đại, đồng thời cần loại bỏ những mô hình cũ tiềm ẩn nhiều bất cập, xây dựng quy hoạch mới đối với hệ thống chợ truyền thống bám sát thực tế phát triển, phù hợp với sự vận động tự nhiên của thị trường.
Mục tiêu là hướng đến một thị trường văn minh hơn, hấp dẫn người tiêu dùng hơn, quản lý chặt chẽ hơn, không chỉ đóng góp cho xã hội, đóng góp cho ngân sách, mà còn tạo cơ hội cho nhiệm vụ điều tra thị trường để hoạch định các chính sách, quản lý phát triển thương mại hiệu quả.
Hoàng Minh
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh