09:33 11/09/2022 Chiều 29-8, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường cho ý kiến về việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là điều chuyển số vốn còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm sang cho lĩnh vực khác.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị điều chỉnh 932 tỷ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm sang đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để đầu tư cho 3 dự án thuộc ngành giao thông (gồm 407 tỷ đồng cho dự án đường cao tốc Hoà Bình - Mộc Châu; 230 tỷ đồng dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị và 295 tỷ đồng cho dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối Ninh Bình và Nam Định).
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, đây là khoản vốn dư các bộ, ngành và địa phương "xin không sử dụng", gồm 130 tỷ đồng vốn đã giao cho Bộ Xây dựng và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và 802 tỷ đồng thuộc các dự án của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, nhu cầu đầu tư cho y tế rất lớn nhưng phải bám vào Nghị quyết 43. Bộ đã rà soát rất kỹ, họp nhiều lần, có văn bản trao đi, đổi lại với các địa phương, chốt lại có 144 dự án bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn được chi theo Nghị quyết 43, nên vốn đầu tư cho các dự án ngành y tế giảm 802 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu, còn 13.198 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đề nghị này đã không được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận. Các ý kiến tại cuộc họp đều yêu cầu giữ lại để thực hiện các dự án y tế, an sinh xã hội vì "anh em ngành y đang rất khổ, nhiều việc, cần được đầu tư"; “vốn dành cho đầu tư công trình hạ tầng giao thông – vận tải bao nhiêu cũng không đủ”. Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ rà soát để có thể tiếp tục bố trí vốn, sử dụng số tiền này cho các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội. Cụ thể, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế triển khai rà soát nhu cầu, chuẩn bị thủ tục đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng; khi nào hoàn thành thủ tục sẽ tiếp tục báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thông thường, các ngành, các địa phương đều rất muốn được phân bổ vốn đầu tư công. Việc phải trả lại, “xin không sử dụng” vốn đã được phân bổ là bất đắc dĩ. Thế nhưng, việc trả lại của ngành Y tế cũng chưa thật hợp lý trong bối cảnh ngành đang rất cần nhiều nguồn lực để phát triển. Số vốn xin không sử dụng liên quan tới các thủ tục đầu tư, cũng có nghĩa là gắn với trách nhiệm của ngành. Không thể do khó, khổ mà xin gửi lại vốn. Trái lại, cần huy động các lực lượng, cần tìm mọi cách có thể để nguồn vốn này phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao năng lực ngành Y tế vốn còn nhiều thiếu hụt sau đại dịch. Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất đúng đắn và các ngành liên quan, nhất là ngành Y tế cần chủ động, tích cực, sử dụng đúng mục đích, đúng thời hạn nguồn lực quý báu này, góp phần vào công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội đất nước./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh