Bảo đảm ATVS thực phẩm - không thể xem thường

11:00 30/10/2019

Theo thống kê, hiện toàn thành phố có 24.796 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Khối lượng quản lý lớn như vậy nhưng theo Chi cục trưởng Chi cục ATTP Nguyễn Văn Toản, bài toán về nhân sự trong công tác ATVSTP luôn là một vấn đề lớn.

Cụ thể, nhân lực làm công tác ATVST được phân thành 3 cấp. Cấp thành phố là Sở Y tế mà thường trực là Chi cục ATVSTP nhưng nhân lực của chi cục hiện có 14 người làm/16 biên chế được cho, sau khi trừ kế toán, văn thư, thủ quỹ, quản trị thì cán bộ chuyên môn chỉ còn… 9 người!?

Tương tự, tại các quận huyện, phòng Y tế theo biên chế được phân 3 người/phòng nhưng trên thực tế, nhiều quận huyện chỉ có 2 biên chế/phòng, quận Dương Kinh một thời gian dài chỉ có 1 cán bộ; thậm chí phòng Y tế quận Hồng Bàng thời gian dài không có lãnh đạo phòng. Điều đó dẫn đến việc không đủ nhân lực cho hoạt động tham mưu, quản lý ATTP vì phòng Y tế còn phụ trách nhiều lĩnh vực của ngành y tế như an toàn học đường, phòng chống dịch, công tác sức khỏe nhân dân… Cán bộ công chức xã hội cấp xã kiêm nhiệm ATTP chưa có kinh nghiệm quản lý ATTP. Cán bộ làm công tác quản lý ATTP đa phần chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ lấy mẫu.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí cho các hoạt động bảo đảm ATTP từ trung ương, thành phố quá hạn hẹp (khoảng 3.700 đồng/người dân) và cấp muộn (thường tháng 9 mới có nên việc triển khai công tác ATTP gặp rất nhiều khó khăn…

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát công tác ATVSTP của UBMTTQ Việt Nam thành phố, vấn đề thiếu nhân lực lại một lần nữa được đem ra mổ xẻ và tìm biện pháp giải quyết. Nhiều ý kiến cho rằng, công tác ATVSTP đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng chỉ đạt được một số kết quả nhất định và chưa mấy khả quan một phần là do đội ngũ nhân sự cho công tác này còn quá thiếu và yếu về trình độ chuyên môn, nhất là ở tuyến cơ sở. Nếu không có giải pháp cho vấn đề nhân sự, công tác bảo đảm ATVSTP sẽ khó chuyển biến trong thời gian tới.

Hải Phòng là thành phố công nghiệp phát triển với 2 triệu dân, trong đó số lượng công nhân lên đến hàng trăm nghìn người; số học sinh mẫu giáo, tiểu học cũng khoảng vài chục nghìn. Có những bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp lên đến vài nghìn công nhân.

Ai cũng biết hậu quả ghê gớm nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm từ những bếp ăn như thế này nếu xảy ra. Từ bệnh cấp tính, mãn tính đến tử vong. Bên cạnh đó, đối với mỗi cá nhân là chi phí khám bệnh, hồi phục sức khỏe, chi phí do phải chăm chút người đau yếu, giảm sút thu nhập do phải nghỉ làm. Mặc dù trong cả năm 2018 và 9 tháng của năm 2019, trên địa bàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc nhưng những nguy cơ tiềm ẩn vẫn hiện hữu và không thể xem thường…

Vì thế, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng các bệnh gây ra từ thực phẩm cố ý nghĩa thực tế rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội. Do đó không thể xem nhẹ công tác kiểm soát ATVSTP, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng".

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông