Chuyện thời cuộc: Chung tay bình ổn thị trường

09:05 24/11/2019

Những ngày qua, một trong những vấn đề gây được sự quan tâm của dư luận là giá thịt lợn không ngừng tăng. Sở dĩ nói điều này bởi trong cơ cấu bữa ăn của người Việt, thịt lợn là thực phẩm được ưu tiên hàng đầu nên việc tăng giá này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Bởi theo phân tích của Tổng cục Thống kê, với việc giá thịt lợn thời điểm này tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước, dự báo mức CPI tháng 11 tăng khoảng 0,8-1%. Riêng giá thịt lợn tác động đến mức tăng CPI là 0,75%...

Tại cuộc họp của Chính phủ với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã khiến 5,88 triệu con lợn bị tiêu hủy với tổng trọng lượng 337.000 tấn. Điều này khiến giá lợn hơi trung bình cả nước khoảng 60.000-67.000 đồng/kg, cá biệt có nơi đã lên tới 75.000-80.000 đồng/kg.

Như vậy có thể thấy, nguyên nhân giá lợn thịt không ngừng tăng là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương; trong khi hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Thêm vào đó, người chăn nuôi lớn do e ngại nguy cơ người mua lẻ có thể đem dịch vào cơ sở khiến hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung, phải mua lại của thương lái ép giá lên cao.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhận định, mỗi khi có sự biến động về giá, một phần có sự “thổi giá” của các thương lái, tạo ra hiện tượng “sốt ảo” hoặc các thông tin nhiều khi không sát thực tế, gây tâm lý hoang mang cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng, nhằm đẩy giá lên cao để trục lợi.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019. Nhận định nguồn cung thịt lợn trong nước thiếu hụt, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ NN&PTNT nhanh chóng đưa ra các giải pháp đáp ứng cung-cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp Lễ, Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25-30%/ngày. Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT phải dự đoán nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý. Đồng thời báo cáo Chính phủ kế hoạch bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới.

Phần thiếu hụt, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung-cầu thịt lợn trong nước, hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối. Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương phải phụ trách theo địa bàn cụ thể về chống dịch, lưu thông thực phẩm từ thịt lợn, có kế hoạch điều hòa cung cầu. Bộ Tài chính và NHNN tích cực tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi...

Như vậy, có thể thấy việc điều hòa cung cầu mặt hàng thực phẩm trọng yếu này giờ đây không còn là trách nhiệm riêng của một sở ngành hay địa phương nữa. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ qua chức năng và địa phương dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ… Có như vậy mới bình ổn được thị trường, kiểm soát được lạm phát cũng như bảo đảm đời sống cho người dân.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông