15:09 20/06/2019 Một kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 223 túi/tháng, tương đương 0,1 kg túi nilon/hộ/tháng.
Như vậy, sẽ có hàng triệu túi ni-lông được sử dụng và thải ra môi trường mỗi ngày. Việt Nam đang được xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới.
Không thể phủ nhận tiện ích mà các sản phẩm từ nhựa, ni lông đối với cuộc sống của mỗi gia đình người Việt. Tuy nhiên, “cái được” thì nhỏ, “cái mất” thì nhiều. Chất thải nhựa được chôn lấp tồn tại hàng trăm năm, gây xói mòn và làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng; ngăn cản ôxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng...
Rác thải nhựa không có khả năng tự phân hủy sinh học, chúng chỉ có thể vỡ thành những mảnh nhỏ và trôi nổi khắp nơi. Nếu có tác động của ánh sáng mặt trời thì cũng phải nhiều thế kỷ nhựa mới phân hủy được...
Nhận thức được tác hại lâu dài và là gánh nặng cho môi trường do rác thải nhựa, ni-lông. Việc giảm thiểu chất thải từ nhựa, ni lông đã trở thành yêu cầu cấp bách, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Nhiều doanh nghiệp, nhà hàng đã tạo được tiếng vang khi mạnh dạn thay bao bì đóng gói các sản phẩm bằng chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên đó chỉ là hoạt động mang tính riêng lẻ, chưa mang tầm vĩ mô, chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức và thói quen sử dụng của người Việt.
Vì vậy, phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chính thức phát động ngày 9-6 vừa qua được mọi người kỳ vọng sẽ tạo ra một hiệu ứng mạnh, lan tỏa trong tất cả các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, để phong trào mang tính bền vững, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền vẫn cần nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt và mang tính lâu dài. Đó là việc tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thành viên trong từng gia đình; cần sự chung tay vào cuộc của hệ thống chính trị tại cấp cơ sở.
Bên cạnh đó không thể thiếu việc tìm kiếm thay thế các chất liệu khác thân thiện với môi trường hơn như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần…
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cũng cần đẩy nhanh mạnh và quyết liệt hơn văn hóa tiêu dùng hiện đại thông qua các sản phẩm sản phẩm thân thiện môi trường và có nguồn gốc tự nhiên. Điều đó cũng đồng nghĩa cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đối với những doanh nghiệp triển khai theo hướng tích cực này.
Rõ ràng cần có sự chung sức của toàn xã hội mới tạo sự chuyển biến thực sự. Đúng như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ: “Ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những hành động thiết thực, cụ thể để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại và các thế hệ tương lai, con cháu chúng ta được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững”.
Bùi Hạnh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh