15:28 03/10/2019 Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 hiện nay đã trở thành một xu thế và tạo sức ép mạnh mẽ lên các ngành kinh tế, trong đó có ngành dệt may, một ngành nghề có những đóng góp lớn cho nền kinh tế của nước ta nhiều năm qua.
Đánh giá những tác động của CMCN 4.0 đối với ngành Dệt may Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, có hai vấn đề, một là đầu tư công nghệ 4.0 cần phải có tài chính; nhưng điều quan trọng nữa là phải xây dựng lực lượng lao động, con người 4.0 để phát huy được công nghệ mới.
Thực tế hiện nay nguồn nhân lực ngành dệt may vẫn còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Về chất lượng, đến 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo (chủ yếu mới chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông) hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng. Dự báo đến năm 2025, ngành dệt may Việt Nam sẽ cần thêm 130.000 lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Con số này sẽ tăng lên trên 210.000 vào năm 2030. Đặc biệt, nếu tính chất lượng nhân lực để có thể đáp ứng các vị trí, quy trình sản xuất ngành dệt may theo yêu cầu của CMCN 4.0 thì ngành dệt may đang thiếu một nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn.
Những hạn chế cả về số lượng và chất lượng đang là thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành dệt may. Bởi dưới tác động của CMCN 4.0, rất nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành dệt may sẽ được sử dụng máy móc, rô bốt… thay cho sức lao động của con người. Đơn cử, ở khâu sản xuất sợi, cách đây 10 năm, DN sợi cần sử dụng 100 - 110 lao động cần thiết để vận hành một nhà máy có quy mô 1 vạn cọc sợi, nhưng khi áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, số lượng nhân lực giảm chỉ còn 25 - 35 lao động để vận hành nhà máy có quy mô tương tự.
Do đó để tồn tại và phát triển, ngành dệt may hiện nay không còn cách nào khác là phải tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bởi cho dù có vốn, công nghệ nhưng không có nhân lực vận hành được máy móc, thiết bị thì doanh nghiệp vẫn mãi chỉ đứng ngoài cuộc chơi.
Tuy nhiên, đây thực sự là vấn đề vĩ mô mà một mình doanh nghiệp không thể tự khắc phục. Do vậy, bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước phát huy vai trò làm cầu nối, kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia, cơ sở đào tạo để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Trong đó, Nhà nước cần quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo ngành dệt may tương xứng với quy mô và nhu cầu thực tế của ngành; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo lao động nhằm rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Chỉ khi nào có “một cái bắt tay chặt hơn” giữa cơ sở đào tạo – doanh nghiệp – chính quyền thì bài toán của ngành dệt may trong thời kỳ CMCN 4.0 mới thực sự được giải quyết triệt để.
Bùi Hạnh
11:40 11/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh