Chuyện thời cuộc: Giao thông mùa hạ

17:41 26/05/2020

Mùa hạ đến, những cơn nắng chói chang đổ xuống thành phố, khiến những cung đường càng rộng, càng trơn tru bóng láng, càng có vẻ thêm phần hừng hực.

(Hình ảnh minh họa)

 Dĩ nhiên, nếu không vì công việc, vì sinh hoạt hay chuyện mưu sinh khác, thì chẳng ai muốn ra đường trong lúc nắng nóng cao điểm, và cũng dĩ nhiên dù sướng hay khổ thì mọi người tham gia giao thông đều hứng chịu như nhau.

Nhưng thực tế, không ít người lại lại chỉ muốn tận dụng cơ hội cho riêng mình, mà không biết đang đẩy những người khác vào cảnh khốn khổ thêm. Ví dụ đến điểm dừng giao cắt, còn cách đèn đỏ hàng chục mét nhưng họ sẵn sàng dừng lại chắn ngang đường để chờ đèn xanh bật sáng.

Họ biết chắc chắn khó ai vượt được mình, và chỉ cần mình được qua là đủ, không cần biết phía sau đó cả dòng người phải dừng lại. Để rồi trong đó có người lỡ hẹn vì không kịp qua đèn xanh, thành thử phải thêm một lần chờ đợi dưới trời nắng gay gắt.

  Cũng tình trạng trên, ở những điểm giao cắt có quy định đèn đỏ người tham gia giao thông được rẽ phải hoặc rẽ trái, lại cũng bị những người kiểu như trên đứng lấp kín lối rẽ. Thậm chí có không ít người, phần lớn là phái nữ, dù mặc đồ chống nắng kín như “Ninja”, điều khiển ô tô, nhưng cũng sẵn sàng đỗ xịch dưới bóng cây chiếm hết phần đường, mặc người phía sau bóp còi inh ỏi.

Những hành động tương tự, dù không để lại hậu quả nghiêm trọng, nhưng phát sinh nhiều cảm giác bực mình cho những người bị liên lụy.

Những hành vi trên rõ ràng là cản trở giao thông, xâm phạm quyền bình đẳng của mọi người trong cộng đồng, nhưng hiện vẫn diễn ra khá phổ biến.

Nhìn từ góc độ khác, lỗi một phần cũng do các cơ quan chức năng liên quan, khi dành quyền “rẽ trái, rẽ phải” nhưng lại không dành phần đường bằng tín hiệu hướng dẫn mà để mặc người tham gia giao thông tự “ứng xử”, nhiều khi gây ra những mâu thuẫn không cần thiết. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn, chế tài, xử lý vi phạm cũng có phần lơ là.

Trong điều kiện thực tiễn Việt Nam, nhất là mùa hạ, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức giao thông, ngành chức năng cũng cần nghiên cứu giải pháp khắc phục, nhằm hạn chế nắng nóng ở những điểm giao cắt mà người tham gia giao thông buộc phải chờ đợi. Ví dụ như việc tăng thêm mật độ cây xanh, hoặc đầu tư các mái vòm che nắng, che mưa..?

Thiết nghĩ, điều đó không chỉ góp phần giữ sức khỏe cho cộng đồng, mà còn thể hiện mục tiêu hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống, vì lợi ích người dân.

          Hoàng Minh

                                        

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông