09:27 04/11/2022 Khái niệm tín dụng “đen” đã được nhắc đến từ lâu, ám chỉ các giao dịch tài chính ngoài vòng kiểm soát của pháp luật. Dù bản chất mang nhiều yếu tố tiêu cực, bị cấm hoạt động, nhưng dạng hình tín dụng này vẫn luôn tồn tại, luồn lách dưới nhiều hình thức, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay.
Thẳng thắn nhìn nhận rằng, lý do tín dụng đen không bị thải loại bởi nó cũng mang bản chất sinh hoạt theo nhu cầu của một bộ phận xã hội.
Trong thực tế, có không ít người, doanh nghiệp gặp lúc túng quẫn về tài chính mà không thể tiếp cận các nguồn vốn hợp pháp, đã tìm đến tín dụng “đen” và thành công.
Nhưng bên cạnh đó, cũng có quá nhiều người khốn khổ vì tín dụng “đen”, mà trong đó không ít người thuộc diện có điều kiện kinh tế nhưng vì lòng tham, vì ham muốn giàu nhanh mà “sập bẫy”.
Bên cạnh những kiểu đầu tư “thủ công” như chơi họ có lãi, đầu tư chứng khoán ngoài luồng, gom vốn đầu tư bất động sản… gần đây trên địa bàn Hải Phòng cũng như cả nước xuất hiện nhiều vụ việc có tính chất lừa đảo, liên quan đến việc các nạn nhân giao dịch tài chính trên mạng Internet, đã và đang được các cơ quan chức năng cảnh báo.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, vay vốn hay huy động vốn, ngoài nhu cầu sinh hoạt thì mục đích nhằm phát sinh lợi nhuận cũng là vấn đề chính đáng, với mục đích tích cực là tạo cơ hội cho những người có tiềm lực hạn chế nhanh chóng có được một nguồn vốn như ý, phục vụ nhu cầu riêng.
Chính vì vậy, một số hoạt động tín dụng tự phát trong xã hội đã được Chính phủ cho phép hoạt động, để đáp ứng yêu cầu đó.
Đơn cử như chơi họ (cách gọi khác là hụi), từ năm 2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2006/NĐ-CP hướng dẫn hoạt động của dạng hình này. Tiếp đó là Nghị định 19/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 144 đã được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ tháng 4/2019.
Theo đó tại Điều 3 đã quy định rõ: “Việc tổ chức họ chỉ được thực hiện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau giữa những người tham gia quan hệ về họ/ Không được tổ chức họ để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác”.
Có thể nói, việc công nhận tính chất pháp lý đối với một dạng hình tài chính tự phát trong cộng đồng đã thể hiện sự ưu việt và linh hoạt của Nhà nước ta trong quan hệ xã hội. Tuy nhiên như đã nói ở trên, thời gian qua trên địa bàn cả nước cũng như Hải Phòng, nhiều vụ vỡ “họ” vẫn xảy ra, khiến không ít gia đình lâm vào hoàn cảnh “tiền mất, tật mang”.
Nhất là khi hoạt động chơi “họ” bị biến tướng sang hình thức tín dụng “đen”, số tiền huy động lớn nhằm trục lợi nhiều hơn ý nghĩa truyền thống, mà những vụ việc xảy ra ở An Thắng (An Lão), Anh Dũng (Dương Kinh) và mới đây là Ngũ Phúc (Kiến Thụy) chỉ là những ví dụ điển hình.
Nhìn ở góc độ khác, hiện tượng đổ vỡ của các tổ chức tài chính tự phát cho thấy rõ một kênh đầu tư tiền dư thừa trong xã hội vẫn đang ở ngoài tầm kiểm soát, mà sự vận động của nó đôi khi mang lại bất lợi cho nền tảng cộng đồng.
Không ít người vì động cơ thiếu lành mạnh mà tham gia vào những giao dịch tài chính phạm pháp, để rồi không những tiền mất, tật mang mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định về ANTT, an sinh xã hội.
Rõ ràng, trong một xã hội văn minh, dù ở lĩnh vực nào thì sự vận hành đúng theo quy định của Pháp luật sẽ đem lại sự bảo đảm hữu hiệu. Giao dịch tài chính cũng vậy, rất có thể một số người trong cuộc chưa hiểu hết các quy định, mới thấy công tác tuyên truyền càng phải được tăng cường, để những vụ việc đáng tiếc tương tự nêu trên sẽ được hạn chế trong tương lai.
Hoàng Minh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh