Chuyện thời cuộc: Lắng nghe để tháo gỡ

10:45 13/10/2018

Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo vừa được ban hành, trong đó bãi bỏ các quy định “thương nhân xuất khẩu gạo phải có kho chứa với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ” trong Nghị định 109 năm 2010”. Chính sách mới này được dư luận, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hoan nghênh và coi đó là bước tiến lớn khi Chính phủ đã lắng nghe ý kiến phản ánh và kịp thời bãi bỏ các quy định gây khó khăn cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Đặc biệt, Nghị định 107 vừa ban hành đã mở ra một quy định rất thoáng cho thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Trước đó, theo Nghị định 109, các sản phẩm gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không thể xuất khẩu vì vướng các điều kiện về diện tích, sản lượng...

Nghị định mới cho phép thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh; được xuất khẩu các loại gạo này không cần có giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ, lưu thông theo quy định chung.

Được biết, việc sửa đổi này được đề cập từ Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tháng 3-2017, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải sửa đổi Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo với tinh thần là không đưa nhiều quy định phức tạp trong xuất khẩu gạo.

Với việc chính thức có hiệu lực thi hành từ 1-10-2018, Nghị định 107 đem lại sự phấn khởi và niềm tin cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo vì đã được phê duyệt đúng theo dự thảo trước đó mà cộng đồng doanh nghiệp đã tham gia góp ý. Từ đó nghị định mới sẽ tạo mọi điều kiện cho hoạt động xuất khẩu gạo được phát triển tốt hơn.

Theo ước tính của các chuyên gia, những quy định mới theo hướng cởi mở hiện nay có thể giúp số lượng thương nhân tham gia xuất khẩu gạo tăng thêm 50 - 60%. Thêm nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều đầu ra mới trong điều kiện Việt Nam rất cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo để tránh phụ thuộc.

 Bên cạnh đó, nghị định cũng giúp các sản phẩm gạo đặc thù như gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tìm được thị trường, có cơ hội mở rộng sản xuất.

Và, cái được lớn nhất từ Nghị định 107 mang lại được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận chính là dấu ấn cải cách hành chính, giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh, mở rộng sản xuất.

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông