10:41 24/07/2019 Thời gian qua, việc các tổ chức, hội nghề nghiệp tự phong các danh hiệu trong lĩnh vực văn hoá không đúng chức năng, thẩm quyền, trái với quy định pháp luật đã gây xôn xao dư luận. Thôi thì đủ các loại danh hiệu như Nam vương, Thiên vương, Á hoàng, Nữ hoàng sắc đẹp, Nữ hoàng biển, Nữ hoàng trang sức… không thể đếm xuể.
Mới đây thôi là những ồn ào xung quanh danh hiệu Nữ hoàng văn hoá tâm linh của Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam đã khiến người phát ngôn của Bộ Văn hoá-Thể thao-Du lịch phải lên tiếng.
Ông Nguyễn Thái Bình-Chánh Văn phòng Bộ cho biết: Hiện có tình trạng một số đơn vị tuỳ tiện tổ chức tôn vinh, trao danh hiệu, danh xưng cho một nhóm đối tượng háo danh, rồi sau đó sử dụng danh hiệu, danh xưng đó phục vụ mục đích cá nhân rồi thu lợi bất chính. Hậu quả là có những danh hiệu, danh xưng không phù hợp, thậm chí là lố bịch, gây bức xúc trong đời sống xã hội.
Được biết không chỉ đến cuộc thi Nữ hoàng văn hoá tâm linh, mà trước đó có không ít các cuộc thi khác đều chưa được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép. Cũng từ những chương trình, cuộc thi “chui” ấy đã “đẻ” ra những danh hiệu, danh xưng mà ngay cả cơ quan quản lý cũng phải thừa nhận “chưa bao giờ nghe thấy”?!
Chưa kể đến, đằng sau đó là những lùm xùm mà chính người trong cuộc tự vạch ra như ít thì vài trăm triệu, nhiều là hàng tỷ đồng để…mua được danh hiệu, danh xưng. Điều đó cho thấy các cuộc thi, chương trình trên đã bị thương mại hoá, cung-cầu, mua-bán. Tiếp đến, những tổ chức, cá nhân bỏ tiền “tự sướng” thì sau đó cũng chỉ chăm chăm cho những hoạt động phục vụ cho doanh nghiệp mình, bản thân mình mà không màng tới những mục đích mang tính cộng đồng, xã hội.
Chỉ là số ít, song những người mẫu, người đẹp tham gia đường dây gái gọi, rồi doanh nghiệp mới được vinh danh, sau đó lại vi phạm pháp luật không phải không có.
Cái mất lớn nhất từ những cuộc thi, chương trình được tổ chức chỉ vì… háo danh, theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện văn hoá nghệ thuật quốc gia, đó chính là người dân mất lòng tin vào các danh hiệu, danh xưng, hoài nghi về giá trị của cái đẹp, của đạo đức và kéo theo những hệ luỵ khác.
Thẳng thắn nhìn nhận việc tổ chức, thưởng thức các hoạt động nghệ thuật, trong đó có các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu là nhu cầu xã hội, song trao tặng các danh hiệu phải tuân thủ các quy định pháp luật, tránh gây lố bịch, phản cảm trong dư luận xã hội. Và theo các chuyên gia thì việc loại bỏ những cuộc thi, chương trình vinh danh không cần thiết cũng nên được thể chế hoá để tránh loạn… danh hiệu, danh xưng.
Kim Oanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh