10:40 06/05/2019 Vậy là đến nay đã tròn một năm rưỡi Uỷ ban châu Âu (EC) thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo bằng hình thức thẻ vàng đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Đồng thời, EC cũng đưa ra các khuyến nghị Việt Nam cần phải làm trong 6 tháng để có thể tháo gỡ thẻ vàng hoặc tăng nặng lên hình thức thẻ đỏ, tức là cấm nhập khẩu sản phẩm hải sản vào thị trường EU.
Sản phẩm thuỷ sản phải rõ xuất xứ, nguồn gốc
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam thì thị trường châu Âu chiếm từ 17-20% tổng sản lượng xuất khẩu thuỷ sản với giá trị từ 350-400 triệu USD, xếp vị trí số 1. Từ khi có thẻ vàng con số trên giảm chỉ còn khoảng 250 triệu USD, tụt xuống vị trí thứ 4, chưa kể đến các lô hàng bị kiểm tra ngặt nghèo hơn, tốn thời gian và chi phí nhiều hơn.
Nghiêm trọng hơn, nếu không được EC gỡ thẻ vàng thì hệ luỵ các thị trường khác như Mỹ, Nhật… cũng sẽ áp dụng các biện pháp “rắn” hơn đối với thuỷ sản Việt Nam, gây nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Điều đáng nói là trong cùng khu vực ASEAN không chỉ có Việt Nam mà một số quốc gia khác cũng bị nhận thẻ vàng, thậm chí thẻ đỏ của EC như Philippin, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc, Đài Loan… Tuy nhiên, Philippin chỉ mất 10 tháng triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục và đã được EC chấp thuận gỡ thẻ vàng, tiếp đến là Hàn Quốc, Thái Lan, Inđônêxia…
Được biết, theo thống kê Việt Nam có gần 110.000 tàu cá, trong đó có khoảng 33.000 tàu đánh bắt xa bờ. Những khuyến nghị của EC đối với Việt Nam tập trung chủ yếu vào việc thực thi hiệu quả các quy tắc quốc tế, tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuỷ sản và ngăn chặn các sản phẩm thuỷ sản đánh bắt bất hợp pháp. Những điều trên cũng được EC đưa ra với một số quốc gia trong khu vực ASEAN và các nước đã thực hiện nghiêm túc.
Tại Việt Nam thì sao?
Trong khi thời hạn EC sang đánh giá lại về việc Việt Nam thực hiện các khuyến nghị ra sao thì trong những ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng, lực lượng kiểm ngư vẫn phát hiện, bắt giữ tàu cá Việt Nam xâm phạm địa phận lãnh hải của các nước khác, thậm chí thay màu sơn tàu, đeo biển số giả để trà trộn vào khu vực đánh cá của nước bạn.
Có thể thấy việc gỡ thẻ vàng của EC đối với sản phẩm thuỷ sản Việt Nam phải được thực hiện nghiêm túc, nỗ lực, quyết tâm từ các Bộ, ngành, 28 địa phương ven biển, các doanh nghiệp và tới từng chủ tàu cá. Nếu đâu đó còn có tâm lý làm cho xong, làm để đối phó thì hậu quả là khôn lường đối với nền kinh tế của quốc gia.
Kim Oanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh