16:30 27/08/2019 Từ nhiều năm nay, tình trạng sách giả, sách lậu luôn là căn bệnh trầm kha mà ngành xuất bản Việt Nam chưa tìm được thuốc chữa triệt để, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế và nguy hại với văn hóa, xã hội.
Trên thực tế, nhiều người vẫn coi nhẹ hậu quả của sách lậu khi cho rằng, sách lậu, sách giả chỉ gây thiệt hại kinh tế đối với các nhà làm sách và tác giả cuốn sách chứ không gây tổn hại đến độc giả, nếu không muốn nói là độc giả có lợi vì mua được sách rẻ. Tuy nhiên, sự nguy hiểm của ấn phẩm lậu gây ra không hề đơn giản.
Trước hết, sách lậu triệt tiêu sự sáng tạo, làm ăn mòn văn hóa đọc, văn hóa thưởng thức của công chúng. Bởi sách giả đồng nghĩa với giấy in chất lượng kém, bìa sách “dại” hơn, nội dung không chỉn chu, nhiều lỗi chính tả, cú pháp... Điều đó khiến độc giả dần quen và mặc nhiên chấp nhận những yếu tố kém chất lượng, vô tình tự hạ thấp thẩm mỹ.
Giá rẻ của một ấn phẩm còn khiến nảy sinh tâm lý coi thường chất xám, coi thường công sức của người viết sách và làm ra sách, dễ dãi tiếp nhận tri thức bị khiếm khuyết một cách mặc nhiên. Chưa kể, những lỗi sai về nội dung, chính tả còn làm sai lệch về nhận thức. Đặc biệt một số sách sách giáo khoa, giáo trình, sách về sơ cấp cứu, sách tra cứu thuốc, chữa bệnh y học chuyên ngành nếu bị sai lệch nội dung - dù chỉ một dòng, một chữ cũng tổn hại đến người đọc nếu áp dụng theo sách in lậu trong những tình huống khẩn cấp.
Ngoài ra, sách lậu còn phá hoại hệ thống sách bản quyền và làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của ngành xuất bản trong nước. Nhất là khi nước ta đã trở thành thành viên của Công ước Berne và WTO. Điều này đồng nghĩa với việc các NXB sẽ khó khăn khi muốn thương thảo bản quyền với nước ngoài, khiến những cuốn sách best-seller trên thế giới ngày càng khó đến được tay độc giả trong nước.
Sở dĩ mặc dù nhận thức được hậu quả tai hại của sách lậu nhưng tình trạng này vẫn tồn tại âm thầm dai dẳng bởi hầu hết các hình phạt với hành vi làm và tiêu thụ sách lậu chỉ là xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe.
Do đó có nhiều ý kiến cho rằng cần phải nhìn thẳng vào bản chất sách lậu, đó chính là hàng giả vì không có giấy phép in, không có nguồn gốc xuất xứ, không trả tác quyền, chất lượng kém và cũng tác động có hại cho người tiêu dùng. Cần xây dựng một quy định đặc thù đối với sách lậu, hoặc phải coi đó là hành vi sản xuất hàng giả và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mặt khác, nhân tố quyết định sự thành, bại trong việc chống sách lậu chính là bạn đọc - những người bỏ tiền mua sách. Chỉ khi nào họ thực sự nhận thức được việc mua và đọc sách thật là hành vi văn hóa và tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì tình trạng ấy mới thực sự được giải quyết triệt để.
Bùi Hạnh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh