Chuyện thời cuộc: Thời cơ vàng

09:39 25/02/2020

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn với GDP đứng thứ 4 thế giới. Hàng năm lượng nhập khẩu nông sản của thị trường này khoảng 150 tỷ USD. Hiện giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam trên toàn cầu đạt khoảng trên 40 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU đạt trên 5 tỷ USD.

Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) được ký ngày 30-6-2019 tại Hà Nội sau 7 năm đàm phán. Đây là các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện, bao quát các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và các vấn đề phát triển bền vững. Hiệp định này sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU ở nhóm hàng nông sản: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%)…

Như vậy, khi EVFTA đi vào thực thi, ngành nông nghiệp có nhiều dư địa để thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU. Đây là cơ hội rất tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng, theo đúng định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp có giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn, bền vững hơn.

Tuy nhiên, cơ hội, thuận lợi rộng mở nhưng vẫn còn nhiều thách thức khi Hiệp định đi vào thực thi dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp nước ta. Đó là sự gia tăng cạnh tranh với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế dần được cắt giảm. Mặt khác, sản xuất trong nước chưa được quản lý chặt chẽ vấn đề VSATTP, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu trong chăn nuôi, trồng trọt và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi cung ứng. Mặt khác, kinh tế được cải thiện, mức sống người dân trong nước ngày càng cao, còn khiến ngành nông nghiệp trong nước đối mặt với nguy cơ bị cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa khi mà các nông sản từ nước ngoài có chất lượng và độ tin cậy cao với giá cả cạnh tranh xuất hiện...

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, tổ chức quốc tế đã tập trung đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm, kiểm định chất lượng. Ngành cũng đã nỗ lực xử lý một loạt vấn đề về xử lý gỗ đảm bảo chứng chỉ bền vững, gỡ thẻ vàng với ngành thủy sản, tập trung nỗ lực cao nhất để xây dựng mã số vùng trồng… Tuy nhiên muốn nắm được “cơ hội vàng”, tạo ra chuyển biến thực sự thì điều tiên quyết vẫn đòi hỏi sự hoàn thiện cả về chính sách, khung pháp lý, đầu tư hỗ trợ, tuyên truyền, vận động với người dân và cả doanh nghiệp.

BH

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông