15:27 28/11/2019 Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc xây dựng và củng cố được sự hiện diện hình ảnh thương hiệu quốc gia một cách tích cực và vững chắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp quốc gia này có lợi thế cạnh tranh so với quốc gia khác.
Trên thế giới, việc cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng. Đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Việt Nam cũng không nằm ngoài “cuộc cạnh tranh” đó.
Có thể kể ra kết quả mà nước ta đã đạt được, nếu đầu những năm 2000, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam chưa bao giờ được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019 này, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu của Việt Nam đã đạt trên 9,3 tỷ USD.
Và công bố mới nhất từ Brand Finance (tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Vương quốc Anh) cho thấy: Trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD, tăng 12 tỷ USD, tương đương 5,4% so với con số 235 tỷ USD năm 2018 và xếp hạng thứ 42.
Con số tăng trưởng đáng tự hào trên không chỉ phản ánh cố gắng tự thân của doanh nghiệp mà còn khẳng định thành công của một chiến lược mà Chính phủ đã nỗ lực xây dựng.
Theo đó, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QÐ-TTg ngày 25-11-2003 với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua các thương hiệu hàng hóa và dịch vụ.
Qua hơn 15 năm triển khai, chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tiếp nối kết quả đã đạt được, vừa qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 với mục tiêu tăng 20% về giá trị và hơn 1.000 sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia.
Có thể nói việc xây dựng, giữ vững và phát triển thương hiệu quốc gia là vấn đề không thể thiếu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn nhận lại quá trình triển khai chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam thời gian qua, đại diện Bộ Công Thương (cơ quan thường trực) cũng đã thẳng thắng nhìn nhận và chỉ rõ những hạn chế nhất định về cơ chế, chính sách; về công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương, nguồn lực, nhận thức về ý nghĩa và vai trò của thương hiệu.
Có thẳng thắn nhìn nhận như vậy mới nhận ra những điểm yếu, hạn chế cần khắc phục từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cũng như giải pháp khắc phục. Trên cơ sở đó, việc xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia giai đoạn mới mới thực sự hiệu quả, bền vững, có sức lan tỏa sâu rộng.
Bùi Hạnh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh