16:45 17/03/2020 Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, nhiều Chính phủ đã triển khai các chính sách kích thích kinh tế, ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành.
Trên thị trường thế giới, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ mới đây đã liên tiếp giảm mạnh lãi suất điều hành, về 0 - 0,25%/năm và hỗ trợ mạnh mẽ thanh khoản cho thị trường tài chính. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, với thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, kể từ 17-3-2020, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định điều chỉnh giảm đồng loạt các lãi suất điều hành.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Cùng đó, trần lãi suất huy động VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng loại không kỳ hạn giảm 0,3%/năm (từ 0,8%/năm xuống còn 0,5%/năm); loại có kỳ hạn từ 1 tháng - 6 tháng giảm 0,25%/năm (từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm). Giảm 0,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của tổ chức tín dụng đối với khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên (từ 6%/năm xuống còn 5,5%/năm). Đồng thời Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tiền gửi trong dự trữ bắt buộc bằng VND của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước thêm 0,2%/năm, từ 0,8%/năm lên 1%/năm.
Như vậy, ngay sau quyết định giảm lãi suất khẩn cấp lần thứ hai trong chưa đầy hai tuần của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã vào cuộc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch cúm Covid-19.
Đây là lần giảm mang tính chất toàn diện các loại lãi suất điều hành. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đã đánh thẳng vào chi phí thực tế của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp vay vốn, mang tính trực tiếp để tác động tức thời thay vì có độ trễ.
Cụ thể, một mặt nhà điều hành hạ trần lãi suất tiền gửi - chi phí đầu vào huy động vốn; hạ chi phí tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng qua các kênh như OMO và tái cấp vốn...; cắt trực tiếp chi phí doanh nghiệp vay vốn qua trần lãi suất cho vay VND nhóm ưu tiên. Và đồng nghĩa với việc nhà điều hành cũng hỗ trợ luôn chi phí cho các tổ chức tín dụng qua nâng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước từng chia ra các lần giảm các loại trong năm 2019 (tháng 9 và tháng 11) với các bước giảm khá nhẹ như 0,25%/năm ở các loại lãi suất chủ chốt. Tuy nhiên, với loạt điều chỉnh trên, các nhà chuyên môn nhận định đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua Ngân hàng Nhà nước giảm một bước mạnh (0,5%-1%/năm) ở các loại lãi suất chính, cũng như toàn diện ở các kênh hỗ trợ. Đồng thời thể hiện sự nỗ lực quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong việc “tiếp sức”, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid – 19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
PV
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh