17:00 25/01/2016
Ban Chấp hành Trung ương khóa XI có đề cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước nhưng có giới thiệu hay không còn phụ thuộc vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Quốc hội. Trao đổi với báo chí bên hành lang Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng khóa XI, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI có đề cử các chức danh lãnh đạo Nhà nước nhưng có giới thiệu hay không còn phụ thuộc vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Quốc hội. Ông Vũ Trọng Kim khẳng định: “Tới tháng 5, tháng 7, các chức danh của Nhà nước mới xuất hiện vì phải do Quốc hội bầu”. Trước đó, Phó Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh cũng khẳng định: “Người dân hãy tin tưởng vào Đảng, vào công tác cán bộ của Đảng. Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, tiêu chuẩn đã được nêu rất chặt chẽ và chi tiết. Tiêu chuẩn dựa trên tình hình thực tiễn, trong đó đề cao sự trong sạch, liêm khiết, tầm trí tuệ và bản lĩnh, đảm bảo quá trình xây dựng, bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Mỗi đại biểu được tiếp cận cả chồng hồ sơ dày về các ứng viên, để cân nhắc, lựa chọn. Những người được giới thiệu đều là tiêu biểu cho bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức của Đảng”.
Được biết, để xây dựng Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể đối với các Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Theo đó, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII phải là những đồng chí tiêu biểu của Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; bảo đảm tiêu chuẩn chung của cán bộ theo Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt chú trọng 3 nhóm tiêu chuẩn gồm:
Thứ nhất, có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích dân tộc; có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động; Thứ hai, có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và quần chúng tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ; Thứ ba, có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược và kiến thức toàn diện để tham gia hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách, nhiệm vụ của Đảng, chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới tại lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công; qua thực tiễn thể hiện rõ là người có năng lực sáng tạo, nhiệt huyết, làm việc có hiệu quả, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đoàn kết, quy tụ, phát huy được đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công; có ý thức, trách nhiệm và khả năng tham gia thảo luận, đóng góp vào các quyết định chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ. Theo Huyền Chi/CAND
|
08:20 09/01/2025
15:07 08/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh