Cô gái khuyết tật với giấc mơ nàng tiên cá

17:56 22/02/2014

 

 

Trang tập đá bóng tại trường Estih
Trang tập đá bóng tại trường Estih

Tạo hóa sinh ra con người có thể chơi đùa, chạy nhảy trên đôi chân của mình. Nhưng với Nguyễn Thị Trang (sinh năm 1990) ở xã Hoa Động, Thủy Nguyên, mãi năm 19 tuổi, cô mới học cách đi, cách đứng như một đứa trẻ chập chững tập đi những bước đầu tiên. Phải mất 4 năm khắc nghiệt khổ luyện, cô đã chiến thắng tạo hóa, trở về với cuộc sống đúng nghĩa của một người bình thường. Câu chuyện của cô là giấc mơ có thật về một “nàng tiên cá” kiên cường tập đi trên đôi chân của chính mình…

Chiếc xe đạp của mẹ và đôi vai của bạn

Tuổi thơ của Trang gắn liền với chiếc xe đạp mini đã cũ của mẹ và đôi vai gầy của các bạn cùng lớp đã dìu cô đến trường ròng rã suốt 12 năm học. Trang tâm sự: Khi sinh ra, Trang là một đứa trẻ khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Hồi còn nhỏ, cô luôn hoạt bát, nghịch ngợm và vẫn có thể chạy nhảy, vui chơi với các bạn cùng xóm. Nhưng sau một trận sốt bại liêt, đôi chân của cô dần teo lại, không phát triển được. Trang càng lớn, thân trên càng to, càng nặng, thì đôi chân càng yếu ớt dần teo tóp và mất đi cử động. Mọi sinh hoạt của Trang đều phải dựa vào người khác, ngay cả vệ sinh cá nhân, mẹ cũng phải giúp Trang.

Khi còn nhỏ cô có thể tự đi một mình, không cần ai dìu, nhưng khi lớn lên, Trang đi đâu cũng cần có hai người dắt, mà việc dắt Trang cũng không hề dễ dàng vì chân của cô không có cảm giác, phải dựa cả cơ thể vào người các bạn rồi đu theo từng bước. Có hôm trời mưa, đường trơn, Trang bị ngã, kéo theo cả hai cô bạn cùng ngã bẩn hết quần áo. Những lúc trái gió trở trời, chân của Trang đau buốt tới tận xương, không tài nào đi được, phải nhờ bạn cõng. Suốt 12 năm học, ngày ngày mẹ đã đạp xe gần 28km để đưa đón Trang đi học mỗi ngày, bất kể nắng mưa, gió bão.

Nhiều khi ngồi sau xe mẹ đến trường, Trang bị các bạn trêu trọc, bắt chước dáng đi, ném đồ vào người… khiến cô tủi thân, òa khóc nức nở. Rồi căn bệnh “đái dầm mãn tính” đeo bám Trang, làm cô nhiều khi không tự chủ được mà vệ sinh ngay tại lớp, bạn học phải đưa về khiến cô ngày càng khép mình vào vỏ bọc tự ti. Những lúc đó, Trang được mẹ an ủi, động viên cùng thầy cô, các bạn nhiệt tình giúp đỡ đã tiếp thêm niềm tin cho cô hoàn thành chương trình học.

Khi tốt nghiệp cấp 3, sức khỏe của Trang ngày càng giảm sút. Cô không thể đi lại được, bắt đầu tập bò bằng hai tay, hay chân. Trang tuyệt vọng, đêm nào cũng khóc vì thương bố mẹ, vì lo lắng cho tương lai mù mịt của mình. Cô chia sẻ về quãng thời gian khủng khiếp nhất cuộc đời đó: “Đã nhiều lúc em muốn tìm đến cái chết vì nghĩ rằng sống để làm gì trong khi mình khổ, rồi cũng làm cho người khác phải khổ lây. Em buồn một thì bố mẹ em buồn mười. Bà, bố mẹ… nhiều khi nhìn em mà lặng lẽ thở dài: “Khổ, nhìn con cái nhà người ta đi lại khỏe mạnh, tương lai sáng ngời, nhìn con mình đi không được phải bò thế kia. Hy vọng mình sống được ngày nào thì nuôi nó ngày đấy. Chỉ lo sau này mình mất, không biết nó sống kiểu gì đây?”. Nhưng số phận đã không “ngoảnh mặt làm ngơ” với cô. Năm 2009, Trang gặp một người thầy tốt bụng - người đã làm thay đổi vận mệnh cuộc đời cô bé tật nguyền.

Giấc mơ nàng tiên cá

Người thầy đặc biệt này biết luyện khí công, đã gợi ý chữa bệnh miễn phí cho Trang để cô có thể đi lại được. Nhưng gia đình Trang không ai tin vì họ đã đưa cô đi chữa trị ở rất nhiều bệnh viện mà chỉ nhận được cái lắc đầu bất lực. Giữa lúc tuyệt vọng ấy, Trang ngỏ ý muốn thử vận may một lần.

Khi gặp được thầy, Trang đã tập theo những động tác luyện khí công do thầy dạy, với sự giúp đỡ, động viên của mọi người, nhất là mẹ. Ngày nào hai mẹ con cũng cùng nhau tập luyện suốt 8 tiếng, vì chân Trang rất yếu, không cử động được nên phải có người giữ, động tác đầu tiên của Trang là ép, rồi tập đứng… Một người bình thường khi mới sinh ra có thể tập đi đứng bình thường nhưng với một cô gái 19 tuổi như Trang mới bắt đầu tập đứng thì phải có 4 người giữ. Nhiều khi bị ngã, Trang kéo luôn cả người giữ mình ngã theo. Tập đứng rồi tập bám tường, bám cửa sổ.

1
Trong lúc tập xoạc, dù đau đớn Trang vẫn nở nụ cười

Sau khi tập luyện, chân của Trang dần có cảm giác. Trong các động tác, động tác xoạc là đau đớn nhất. Cả người bị ép chặt xuống dưới nền đất cứng, rồi vác trên mình 2 bao cát to nặng tới gần 100kg, nhiều lần Trang đã ngất lịm đi khi tập động tác xoạc, đau đớn tới mức cô không còn cảm giác gì nữa, nhiều lúc đau quá cô không bò được, cứ nằm bẹp xuống đất rồi lấy hai tay lết đi. Đôi lúc, cô tự an ủi mình: Sao mình lại thế này, cứ nghĩ tập luyện, mình sẽ khỏe hơn, đi lại dễ dàng hơn… Kiên trì tập luyện, sau 4 năm trời ròng rã, Trang đã có thể đứng dậy và đi lại bằng đôi nạng. Ngày nhìn con gái bước đi chập chững, mẹ cô khóc nức nở như trẻ con.

Đi lại được, Trang mạnh dạn đăng ký vào lớp dạy cho người khuyết tật trên Hà Nội - Trường Estih. Đây là lần đầu tiên cô rời xa gia đình để sống tự lập. Lên trường, mọi thứ đều bỡ ngỡ, Trang phải tự làm mọi việc. Cô tâm sự: “Nhiều lúc em không biết giao tiếp nên vô tình làm các bạn buồn. Có lần, em thức trắng cả một đêm ngồi ngoài sân suy nghĩ về những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Ở đây, các bạn đều rất tốt với em, hết sức tạo điều kiện giúp em có thời gian tập luyện. Có gì không đúng, không phải, các bạn thẳng thắn góp ý kiến giúp mình sửa chữa sai sót, nhờ vậy mà Trang cũng trưởng thành hơn rất nhiều”.

Sống ở Estih, Trang trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn. Cô thấy hạnh phúc và thấy mình quá may mắn. Có nhiều lúc, Trang tuyệt vọng, tưởng chừng không thể đứng dậy được, nhưng các bạn lại là người đưa đôi tay ra để kéo cô lên, vực cô đứng dậy để tiếp tục bước đi trên chặng đường. Trong thời gian 6 tháng ở Estih, với sự giúp đỡ của các bạn bè, thầy cô, Trang đã có thể đi bỏ nạng, tập tễnh đi lại bằng chính đôi chân của mình.

Vượt qua thử thách, chinh phục tòa nhà 32 tầng

Kết thúc khóa đào tạo tại Trường Estih với thành tích xuất sắc, Trang xin vào học và làm việc tại Trung tâm Nghị lực sống do Hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng sáng lập. Tại đây, cô quyết định vượt qua “giới hạn” của bản thân bằng việc chinh phục tòa nhà 32 tầng (cao nhất tại bán đảo Linh Đàm).

Hàng ngày, 4h sáng Trang đã dậy tập luyện, mỗi tay cầm một viên gạch đi vòng quanh sân trường, rồi sau đó là 6 viên đi 10 vòng quanh sân trường, mỗi vòng 100m. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mưa thì mặc áo mưa cầm gạch đi, rồi tập leo cầu thang. Nhiều hôm mưa to, cô kiên quyết mặc áo mưa tập đi với suy nghĩ: “Bây giờ mà không tập thì mai lại mất đi khoảng thời gian mà hôm nay mình đã nghỉ tập”. Sau 2 tháng tập đi quanh sân trường, khi đôi chân dần khỏe mạnh, Trang bắt đầu tập leo tòa nhà 32 tầng. Ban đầu, cô nghĩ không thể leo được lên tòa nhà đó nhưng sự quyết tâm không cho phép cô bỏ cuộc. Ngày 13-10, Trang chính thức chinh phục được tòa nhà 32 tầng rồi sau đó đi xuống. T

rên trang mạng cá nhân, cô tâm sự: “Tình hình là cực kì tình hình. Hai bàn chân của mình bị thương, cái dép thì bị đứt. Mỗi lần đi như đánh vật ý, cứ phải cắn răng chịu đau mà đi, vì giờ không tập thì mình sợ một ngày nào đó mình lại quay trở lại ngày xưa: phải bò bằng hai tay, hai chân, khó khăn mãi mới đứng và đi lại được như một con người… Cố gắng lên nào! Cố lên! Cuộc sống luôn tươi đẹp. Cầu mong cho nhanh khỏi để thứ 7 tới leo lên tòa nhà 32 tầng. Quyết tâm mỗi tuần leo lên tòa nhà đó một lần”. Thế mới thấy được nghị lực của cô gái bé nhỏ ấy lớn đến nhường nào!

Và rồi, vượt qua hàng nghìn ứng viên, cả khuyết tật lẫn người bình thường, Trang lọt top 40 người vào thử việc tại Công ty Esoftflow. Chia sẻ về niềm vui này, Trang khiêm tốn: “Nhiều khi Trang nghĩ rằng nếu không có sự động viên của mọi người thì sẽ không có Trang như bây giờ, sẽ không làm được gì cả. Những gì Trang có ngày hôm nay là sự giúp đỡ của thầy cô, gia đình, bạn bè. Trang chỉ dám nói mình là kết quả của sự đúng đỡ của rất, rất nhiều người”.

Minh Hương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông