Cô thợ may tật nguyền và giấc mơ hạnh phúc

00:22 25/11/2013

Nghề may vốn kén người học, có đôi bàn tay lành lặn cũng chưa chắc đã làm thạo nghề, nhưng với bà mẹ đơn thân Đỗ Thu Thủy, ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, thì khác. Dù chỉ với đôi bàn tay mất ngón, chị đã tạo nên kì tích đáng nể của riêng mình. Vỏn vẹn 3 tháng học nghề, Thủy đã trở thành thợ thạo việc khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên tới khâm phục…
Nghề may vốn kén người học, có đôi bàn tay lành lặn cũng chưa chắc đã làm thạo nghề, nhưng với bà mẹ đơn thân Đỗ Thu Thủy, ở phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, thì khác. Dù chỉ với đôi bàn tay mất ngón, chị đã tạo nên kì tích đáng nể của riêng mình. Vỏn vẹn 3 tháng học nghề, Thủy đã trở thành thợ thạo việc khiến nhiều người đi từ ngạc nhiên tới khâm phục…

Chị Thủy với chiếc kéo đặc biệt khéo léo cắt quần áo cho khách
Chị Thủy với chiếc kéo đặc biệt khéo léo cắt quần áo cho khách

Gian nan vào nghề của cô gái “mất ngón”

 Đam mê nghề may từ nhỏ, chị mong ước trở thành một người thợ may có tiếng, may những bộ quần áo đẹp cho mọi người, nhưng “lẽ đời” không phải cứ muốn là sẽ được. Năm 2 tuổi, một tai nạn “họa vô đơn chí” từ pháo tết đã cướp mất đôi tay lành lặn và để lại trên gương mặt bé thơ xinh xắn của Thủy những vết sẹo bỏng xấu xí. Đôi bàn tay chỉ còn lại ngón cái, các ngón khác thì đã bị rụng hoặc dính lại với nhau. Từ đó đến nay chị sống trong nỗi mặc cảm tật nguyền, sống xa lánh mọi người. Lớn lên, chị tìm đến rất nhiều cửa hàng, trung tâm xin học may nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối. Có người còn nói hẳn, nghề thợ may kén người, lành lặn, khéo tay có khi còn không thành nghề, huống hồ…

Người ta chê chị “tay không ngón”, mặt mũi lại xấu xí thì làm sao có khả năng theo học nghề, mà có học xong thì cũng chẳng ai dám đặt may chỗ chị. Liên tục bị từ chối khiến Thủy hụt hẫng và bắt đầu nản chí. Thấy con gái bị người ta từ chối, bố chị đã động viên, “xốc” lại tinh thần cho chị và giúp con tự học bằng cách đi hỏi thợ may giàu kinh nghiệm, mua sách dạy kĩ năng, rồi xin vải vụn về cho chị khâu thành miếng lớn để thực hành. Sau gần một tháng mày mò sách vở, sản phẩm đầu tay là chiếc quần âu hoàn chỉnh, từ đường kim mũi chỉ cho tới khóa kéo đều được khâu bằng tay là minh chứng cho sự nỗ lực tự học tuyệt vời của chị. May mắn mỉm cười khi trong một lần mặc chiếc quần đó đi chơi, chị được một thợ may có tiếng để ý và nhận vào làm học trò.

Ban đầu với đôi tay đặc biệt, chị gặp khó khăn trong việc cầm kéo cũng như học các đường cắt may cơ bản. ”Cái khó ló cái khôn”, sau khi cầm thử đủ loại kéo nhưng không được, chị tự thiết kế và đặt làm một chiếc kéo đặc biệt cho riêng mình. Với lòng ham học hỏi và nỗ lực không ngừng, 3 tháng sau chị đã có thể tự mình nhận may quần áo cho khách. Đây là một kì tích vì một người bình thường nếu muốn học may thì cũng phải mất ít nhất 6 tháng đến hàng năm trời mới thành nghề. Với “năng khiếu” sẵn có, chị Thủy đã chứng minh cho mọi người thấy: Nhiều công việc người khuyết tật có thể làm được và đôi khi có thể còn làm tốt hơn người lành lặn.

Học thành nghề đã khó nhưng để sống bằng nghề còn khó khăn gấp bội. Do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, bố mẹ chị đã phải bán đất để sắm cho chị một chiếc máy khâu và đầu tư vốn liếng ban đầu mở một cửa hàng nhỏ. Chiếc máy khâu ấy vẫn theo chị “hành nghề” cho đến tận bây giờ. Thời gian đầu mở cửa hàng chị không có khách vì mọi người đều cho rằng với đôi tay tàn tật như chị thì sinh hoạt bình thường còn khó khăn huống chi là may đồ. Tuy nhiên chị đã khẳng định tay nghề của mình bằng chính sản phẩm do chị làm ra. Lúc đầu chị nhận may cho người thân, bạn bè, dần dần chị đã chinh phục được mọi người. Hơn 10 năm làm nghề chị đã tạo được “thương hiệu” riêng của mình, dành được niềm tin của khách hàng. Tiếng lành đồn xa, giờ đây không chỉ bà con lối xóm đến may đồ mà chị còn nhận được khá nhiều đơn đặt hàng từ những người cảm phục sự vượt khó của chị.       

“Nếu không gặp được người thầy tốt bụng truyền nghề cho mình, có lẽ giờ đây cuộc sống của mình vô nghĩa khi không việc làm, không có niềm vui… Cuộc sống của mình còn nhiều khó khăn nhưng nếu bạn trẻ nào có hoàn cảnh như mình, cần học nghề để tự lập thì mình sẵn sàng giúp đỡ. Bài học đầu tiên mình được học từ người thầy của mình đó là: Giúp người là đưa cho họ “chiếc cần câu” chứ không phải “con cá””, chị vui vẻ chia sẻ.

Hạnh phúc lặng thầm của bà mẹ đơn thân

Nghề may giúp chị kiếm sống và chính nghề may đã giúp chị có được “hạnh phúc nhỏ” của đời mình. Chị tâm sư,å kể từ khi quyết định trở thành bà mẹ đơn thân, cuộc đời chị buồn nhiều hơn vui, nước mắt tủi thân ướt đẫm gối mỗi khi đêm về, nhưng bù lại được nhìn thấy thiên thần nhỏ đáng yêu mỗi ngày trưởng thành là điều quý giá nhất của chị.

                            

                                  Nụ cười rạng rỡ của bà mẹ đơn thân bên cậu con trai nhỏ

 Chị bồi hồi nhớ lại “mối tình đầu” của đời mình: Gặp anh và yêu anh cũng rất tình cờ, chỉ qua những câu chuyện chia sẻ trong vài lần may đồ cho anh. Cảm mến chàng trai hiền lành, chị bỏ qua tất cả điều tiếng, sự ngăn cấm của gia đình để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Năm 2005, chị theo anh vào Nam lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Cuộc sống khó khăn tưởng chừng sẽ vun đắp cho tình yêu ấy đơm hoa kết trái, nhưng rốt cuộc cũng rạn nứt, mâu thuẫn ngày càng nảy sinh, không thể dung hòa. Ba tháng sống chung ngắn ngủi đủ để chị nhận ra rằng người đàn ông này không thuộc về mình. Chán nản, chị trở về với vòng tay bao bọc của gia đình. Nhưng trong bụng chị, giọt máu của anh đang thành hình.

Năm 2006, bé Đỗ Minh Hiếu ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời người con gái tật nguyền. Làm mẹ đã khó nhưng làm bà mẹ đơn thân còn gian nan hơn gấp bội, chị phải tự mình lo liệu hết mọi việc. Ngày vượt cạn, một mình chị đến bệnh viện khi trong túi không có nổi một triệu đồng, phải nhờ sự giúp đỡ của người thân mới “mẹ tròn con vuông”. Sinh con được 16 ngày, chị phải gượng dậy nhận hàng đặt may kiếm thêm thu nhập để mua sữa cho con.

Tủi thân nhất là những lần chăm con ốm ở bệnh viện. Nhìn gia đình người ta vợ chồng hạnh phúc chăm sóc cho con, còn mình thui thủi ôm con mà chị chạnh lòng đến ứa nước mắt. Bù lại những ngày tháng cơ cực đó, bé Hiếu càng lớn càng ngoan và học giỏi, rất nghe lời và yêu thương mẹ, biết giúp đỡ mẹ những việc nhà đơn giản. Năm nay bé lên 7 tuổi, hoàn cảnh sống khó khăn đã giúp em nhận thức và trưởng thành sớm hơn những bé cùng lứa tuổi. Chị kể, có những lần 2 mẹ con hết tiền, hết gạo…, thằng bé cùng mẹ nhịn đói luôn cho tới tối khuya mà không mè nheo hay quấy khóc đòi ăn.

Ngồi trò chuyện với hai mẹ con chị trong căn phòng nhỏ 18m2 với đồ đạc đơn sơ, chị đã giúp chúng tôi thêm hiểu, thêm cảm thông với những số phận không may trong cuộc sống nhưng giàu nghị lực vươn lên. Chị tâm sự: “Giờ đây mong ước lớn nhất của mình là đủ vốn để mở một tiệm may kha khá, vừa giúp các bạn đồng cảnh học nghề vừa kiếm thêm thu nhập, nuôi dạy con nên người. Với mình, có con đã là niềm vui mãn nguyện lớn nhất trong cuộc đời, còn giấc mơ về một gia đình hạnh phúc đầy đủ với mình xa vời lắm…”



Minh Hương


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông