08:45 15/03/2024 Chiều 14- 3, đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì cuộc giám sát tại Sở Giáo dục Đào tạo về thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023. Cùng dự có lãnh đạo các Ban, ngành liên quan.
Theo Sở Giáo dục Đào tạo, hết năm 2023, toàn ngành có 638 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 59 đơn vị so với năm 2017. Năm 2023, ngành được giao 25.229 biên chế và 1273 hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ; tính chung giai đoạn 2015-2023 giảm được 200 biên chế. Năm 2022 có 43 đơn vị được phân loại mức độ tự chủ, trong đó có 20 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (từ 10-30%); 23 đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. So với năm 2017 và 2021, giảm 47% các đơn vị do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên…
Tuy nhiên, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề ở cấp huyện gặp khó khăn, không có nguồn chi trả cho giáo viên; thiếu giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu, lạc hậu. Về biên chế, việc giao số lượng người làm việc và hợp đồng lao động giáo viên chưa bảo đảm đủ định mức theo quy định; việc quy định đồng đều cấp phó chưa phù hợp với ngành giáo dục; việc tự chủ tài chính cũng gặp nhiều khó khăn; hành lang pháp lý về xã hội hóa trong lĩnh vực Giáo dục Đào tạo chưa đủ thông thoáng để tạo động lực thu hút nguồn lực đầu tư…
Ngành Giáo dục Đào tạo đề nghị sớm ban hành Luật Nhà giáo; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về đơn vị sự nghiệp công lập; đề nghị HĐND thành phố sớm ban hành quyết định quy định danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi xã hội hóa và mức miễn giảm tiền thuê đất đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại các đô thị trên địa bàn thành phố.
Đoàn giám sát ghi nhận ngành Giáo dục Đào tạo có số đơn vị sự nghiệp lớn (gần 700 đơn vị), phải thực hiện sắp xếp, sáp nhập nhiều đơn vị, đồng thời việc giải quyết cán bộ lãnh đạo dôi dư sau sắp xếp và tinh giản biên chế cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, văn bản hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời; việc tổ chức thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức, người lao động gặp nhiều vướng mắc; cơ sở vật chất của các đơn vị sự nghiệp công lập còn thiếu, xuống cấp; việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo chương trình mới gặp khó khăn trong bố trí, bổi dưỡng, đào tạo giáo viên; việc thu hút, tuyển dụng giáo viên một số môn học gặp khó khăn...
Đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến tại hội nghị; tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ trong quá trình đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý.Đồng chí yêu cầu, căn cứ tình hình thực tiễn của thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố ban hành các chính sách, cơ chế phù hợp, khả thi trong thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; sửa đổi, bổ sung các nội dung còn chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu đề ra trong giai đoạn tiếp theo./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh