16:42 30/12/2023 Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, từ đầu năm đến nay, cả nước xuất hiện trên 530 ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8-2023 trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và nguồn cung thực phẩm, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.
Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Ninh giáp ranh với Hải Phòng đang có ổ Dịch tả lợn Châu Phi, tiềm ẩn nguy cơ mầm bệnh xâm nhập, phát sinh và lây lan dịch trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Để chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh động vật khác, căn cứ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và UBND thành phố, Giám đốc CATP vừa có công văn yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình nghiêm túc, khẩn trương thực hiện hiệu quả các nội dung sau:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 170/KH – BCA-C05 của Bộ Công an ngày 20/4/2021 về phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi làm lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tổ chức triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình, phát hiện các hoạt động nhập khẩu trái phép lợn, sản phẩm lợn vào Việt Nam, đặc biệt là từ khu vực biên giới phía Bắc; lập danh sách, giám sát chặt chẽ các đường dây, tổ chức, đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn để tổ chức giáo dục, vận động, răn đe, yêu cầu cam kết không vi phạm, đồng thời có phương án phối hợp kiểm tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm.
Mặt khác, tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi phạm tội buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn làm lây lan dịch bệnh; kinh doanh, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ xuất xứ, không qua kiểm dịch nhằm ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh động vật khác.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Hải Quan, Bộ đội biên phòng, Quản lý thị trường, cơ quan Thú y vùng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu vực biên giới, giáp biên giới, các trang trại lợn, chợ đầu mối, các vùng có dấu hiệu dịch để phòng ngừa, phát hiện, kịp thời xử lý các hành vi vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch, làm lây lan dịch bệnh; kiểm tra, giám sát đối với phương tiện vận tải hàng hoá, hành khách tại các đầu mối giao thông trên các tuyến giao thông, cửa khẩu quốc tế.
Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền về nguy cơ lây nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các dịch bệnh động vật khác, vận động Nhân dân không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch, phổ biến pháp luật về xử lý các hành vi nêu trên.
Đồng thời, chủ động phối hợp với Thanh tra chuyên ngành nông nghiệp, Thanh tra Y tế và Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện sớm các ổ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; tăng cường công tác kiểm tra việc chăn nuôi, kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn, chế biến thực phẩm từ lợn nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan dịch bệnh.
Giám đốc CATP yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương báo cáo kết quả định kỳ vào ngày 25 hàng tháng hoặc báo cáo đột xuất, kịp thời khi xảy ra tình hình Dịch tả lợn Châu Phi hoặc dịch bệnh khác diễn biến phức tạp lây lan rộng trên địa bàn về CATP, qua Đội 3 - Phòng Cảnh sát kinh tế để tập hợp báo cáo Bộ Công an và UBND thành phố theo quy định.
KC
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh