14:36 22/08/2017 Khi một vụ án vừa được phát hiện, cùng với các đơn vị nghiệp vụ, chức năng, những người chiến sỹ kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an tỉnh Nam Định nhanh chóng lên đường. Với “đồ nghề” đặc biệt, họ tỉ mỉ kiểm tra hiện trường. Từ những sợi tóc, tàn thuốc lá... thậm chí những vi vết đều được thu nhặt, cất giữ cẩn thận. Bởi họ hiểu chỉ cần một dấu vết dù nhỏ nhất nghi phạm còn lưu lại cũng đủ làm manh mối phá án.
Những chiến sỹ săn tìm dấu vết
Lực lượng KTHS Công an tỉnh Nam Định ra đời khi TP. Nam Định vừa khởi nghĩa giành được chính quyền. Nhiệm vụ chủ yếu của lực lượng lúc đó là tàng thư căn cước, khám nghiệm hiện trường, truy tìm tiền án tiền sự, phát hiện nội gián, phản động và do thám. Thời kỳ này, cán bộ làm công tác KTHS biên chế ở Ban trị an dân cảnh.
Trung tá Phạm Văn Mạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự chỉ đạo họp án một vụ trộm két sắt
Năm 1981, phòng Kỹ thuật Hình sự chính thức được thành lập với biên chế hơn 10 đồng chí. Ở Công an các huyện, thành phố có từ 1- 2 đồng chí chuyên trách, biên chế trong Đội Cảnh sát điều tra.
Ngay khi chính thức ra đời, lực lượng KTHS đã trực tiếp khám nghiệm và phục vụ yêu cầu điều tra hàng trăm vụ án mạng, hàng ngàn vụ trộm cắp, cháy nổ. Giai đoạn này, cán bộ làm công tác KTHS từ huyện, thành phố đến phòng thường xuyên được cử đi bồi dưỡng nghiệp vụ ở trong nước và nước ngoài.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, lực lượng đã lớn mạnh với 32 cán bộ chiến sỹ cấp phòng và chân rết là cán bộ chuyên trách làm công tác KTHS, biên chế trong Đội Cảnh sát điều tra Công an các huyện, thành phố. Phương tiện làm việc cũng được trang cấp, đổi mới.
Từ chỗ chỉ có một số máy móc của Liên Xô, Đức, Trung Quốc, nay được thay mới bằng máy quay, camera các loại, valy khám nghiệm được thay bằng vỏ ngoại, bền, đẹp hơn. Nhất là các phương tiện phát hiện, thu lượm dấu vết, giám định tiền chất hiện đại hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc kết luận chính xác, giảm hẳn số kết luận nhận định.
Hiện, Phòng KTHS đã mở rộng nhiều lĩnh vực giám định KTHS, pháp y, như giám định các chất ma túy, giám định kỹ thuật số và điện tử. Công tác giám định tư pháp được mở rộng trên 8 lĩnh vực. Đặc biệt, một số lĩnh vực giám định được triển khai sớm so với toàn quốc, đạt hiệu quả cao.
Từ năm 2010 đến nay, đơn vị đã khám nghiệm và giám định 15.079 vụ việc, không có vụ nào kết luận sai, yêu cầu giám định lại. Các vụ thảm án, trọng án xa xưa, đến vụ thảm án cháu giết bà tại xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định và mới đây nhất là vụ côn đồ đuổi chém người giữa phố Ngô Gia Tự, TP. Nam Định, công tác khám nghiệm hiện trường đã giúp cơ quan điều tra nhanh chóng nhận định tính chất vụ việc, đối tượng gây án, công cụ phương tiện và thủ đoạn gây án.
Hay những dấu vết từ vụ tai nạn giao thông, giả mạo chữ ký, con dấu, trộm cắp tài sản..., lực lượng kỹ thuật hình sự truy tìm được tại hiện trường đã giúp quyết định hướng điều tra, rút ngắn thời gian phá án.
Sự song hành đắc lực, hiệu quả của lực lượng KTHS được các cơ quan điều tra đánh giá cao.
Tâm sự với nghề
Một vụ án khép lại, thông tin đến người bị hại và thân nhân chỉ tóm lược tên, tuổi của kẻ phạm tội, tang vật thu giữ và tên cơ quan điều tra đã bắt giam đối tượng. Do đó ít người biết, hiểu được tính chất công việc của người lính KTHS.
Họ là người “đầu tiên tìm ra thủ phạm”, bóc trần những quỷ kế của hàng trăm, hàng ngàn đối tượng phạm tội. Nhưng hiếm khi tên tuổi của họ được vinh danh trên các bài viết.
Cán bộ chiến sỹ phòng Kỹ thuật hình sự khám nghiệm hiện trường, truy tìm dấu vết một vụ trộm đồ thờ cúng
Đã là “lính” kỹ thuật hình sự, việc thường xuyên phải trực, nhận lệnh là xách va li đến hiện trường dù bất kể ngày nghỉ, lễ tết, dù đêm hay mưa, bão.
Còn nhịn cơm là chuyện bình thường với họ. Bởi một chút chậm trễ, những dấu vết, chứng cứ để lại hiện trường sẽ bị xáo trộn, gây ảnh hưởng tới công tác điều tra, thậm chí làm xáo trộn đến sinh hoạt nhân dân. Và khi họ chưa đến, biết bao người phải vất vả bảo vệ hiện trường, bảo vệ tử thi.
Tất cả những áp lực đó, các chiến sỹ KTHS đều dễ dàng vượt qua nhưng ám ảnh tâm lý mới là gánh nặng. Trong những lời tâm sự của người lính kỹ thuật hình sự thì việc chán cơm, nôn ói khi tiếp xúc với thi thể đã phân hủy không phải là chuyện hiếm, nhất là lần đầu.
Tuy nhiên, với nhiệm vụ là phải bắt các dấu vết thu được tại hiện trường lên tiếng, trở thành chứng cứ pháp lý khoa học để giải mã tội phạm, giúp Cơ quan Điều tra đi đúng hướng, đưa kẻ thủ ác ra trừng trị trước pháp luật thì chưa bao giờ họ cảm thấy nản lòng.
Môi trường làm việc của người lính KTHS cũng đầy nguy cơ lây nhiễm bệnh. Bởi, do đặc thù nghề nghiệp, mọi người thường xuyên tiếp xúc với hiện trường vụ án, với tử thi, các bộ phận cơ thể đang phân hủy.
Song thời gian trôi, công việc cuốn hút, những nghi ngại, ám ảnh tâm lý cũng dần tan biến, chỉ còn lại lòng say nghề, cái tâm với nghề và không có ý nghĩ sẽ rời bỏ vị trí.
Với người lính KTHS, sau những nhọc nhằn của nghề là niềm hạnh phúc mình đã góp một phần sức lực nhỏ bé vào việc truy tìm và xét xử tội phạm, làm cho cuộc sống công bằng hơn.
Các anh, các chị hiểu rằng, sự cống hiến ngày hôm nay để niềm vui, hạnh phúc mãi nảy mầm và đơm hoa kết trái ở ngày mai.
Bích Mận
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Chuyên mục Nghị định 154/CP: Quy định về giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 7 trường hợp vi phạm nồng độ cồn
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh