Cộng điểm khuyến khích tuyển sinh vào lớp 10 THPT: Nên để hay thôi?

    14:44 21/01/2018

    Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới công bố, sẽ bỏ quy định sở GD-ĐT cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10. Như vậy, cùng với một số cuộc thi khác, điểm thi nghề phổ thông sẽ không được cộng. Việc này làm nóng dư luận xung quanh cuộc thi vào lớp 10 chỉ cách có chưa đầy 1 học kỳ nữa...

     

    “Áp lực” nhiều cuộc thi

    Trên cơ sở quy định của Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT đã tham mưu ra quy định cụ thể về việc cộng điểm khuyến khích tại các địa phương, theo đó đã thêm vào danh sách các cuộc thi được công điểm ưu tiên, khuyến khích trong cuộc thi vào lớp 10 THPT lên đến hàng chục cuộc thi.

    Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018 tại Hải Phòng, thí sinh được cộng điểm khuyến khích gồm: học sinh đạt khuyến khích cấp quốc gia trở lên và giải ba (huy chương đồng) cấp thành phố trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học.

    Các cuộc thi này do Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc Bộ GD-ĐT phối hợp với các ban, ngành cấp trung ương tổ chức; do sở GD-ĐT tổ chức hoặc sở GD-ĐT phối hợp với các ban, ngành cấp thành phố tổ chức; cụ thể: cộng 2 điểm đối với học sinh đạt giải nhất cấp thành phố (huy chương vàng); Khuyến khích cấp quốc gia trở lên ở một trong các cuộc thi nêu trên; cộng 1,5 điểm đối với học sinh đạt giải Nhì cấp thành phố (huy chương bạc) ở một trong các cuộc thi nêu trên; học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông xếp loại giỏi; cộng 1 điểm đối với học sinh đạt giải ba cấp thành phố (huy chương đồng) ở một trong các kỳ thi nêu trên; học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông xếp loại khá; cộng 0,5 điểm đối với học sinh có chứng chỉ nghề phổ thông xếp loại trung bình.

    Trong khi danh sách các cuộc thi được xét tuyển thẳng chỉ có 12 cuộc thi cấp quốc gia, thì danh sách các cuộc thi được xét cộng điểm khuyến khích lên tới 31 cuộc thi, trong đó có 12 cuộc thi cấp quốc gia và 19 cuộc thi cấp thành phố.

    Mặc dù quy định đã được “khuôn” vào rất nhiều, như: điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có) không quá 4 điểm đối với tuyển sinh vào các trường THPT Cát Bà, THPT Cát Hải và không quá 6 điểm đối với tuyển sinh vào các trường THPT công lập; mức điểm khuyến khích được cộng cho các cá nhân trong giải đồng đội chỉ được tính cho giải quốc gia trở lên và được thực hiện như đối với giải cá nhân; đối với các cuộc thi qua mạng chỉ tính cho những thí sinh đạt giải trong năm học 2016-2017; học sinh chỉ được tính một giải cao nhất trong các cuộc thi cùng thể loại... thì việc cộng điểm khuyến khích đã mở một cánh cửa khá lớn tại cuộc thi được xem là còn khó hơn cả cuộc thi đại học này.

    Khi được hỏi quan điểm về việc cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT, một trưởng phòng GD-ĐT đã thẳng thắn đề nghị... nên bỏ bởi nó “đã làm sai lệch mục tiêu mà các cuộc thi nghề phổ thông và các cuộc thi học sinh giỏi hướng đến”.

    Việc thi nghề phổ thông bỗng thành mục tiêu phấn đấu chỉ để cộng điểm trong khi ý nghĩa của việc học và thi nghề là làm cho công tác hướng nghiệp học sinh tốt hơn, hướng đến thích hợp điều kiện địa phương. Được biết ngoài các cuộc thi khác, riêng việc học nghề các em phải theo đuổi từ năm lớp 8 (1 học kì) và thêm 1 học kì vào năm lớp 9, mỗi kì 35 tiết học. Điều đáng nói, hiện rất nhiều học sinh đã bỏ thời gian và công sức để học nghề hoặc tham gia ôn luyện đội tuyển của nhiều cuộc thi. 

    “Theo tôi, điểm thi nghề phổ thông chỉ nên tính vào điểm trung bình trung như tất cả các môn học khác. Còn đối với các cuộc thi học sinh giỏi, ngay khi các cháu được giải thì nên thưởng ngay và thưởng thật lớn, chứ không nên cộng điểm”- vị này nói.

    Trả lại ý nghĩa đích thực cho các cuộc thi

    Dự thảo mới của Bộ GD-ĐT được công bố vào đầu học kỳ 2 năm học 2017-2018 đã bỏ đi khoản 3 Điều 7 Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT ban hành ngày 18-4-2014 về quy chế tuyển sinh THCS và THPT: “Đối tượng được cộng điểm khuyến khích. Sở GD-ĐT quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích”.

    Như vậy, đồng nghĩa với việc Bộ GD-ĐT không giao cho cho các sở GD-ĐT quy định đối tượng và mức cộng điểm khuyến khích nữa. Do đó thi vào lớp 10 thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích, trong đó có điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS hay cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa do các sở GD-ĐT tổ chức.

    Một hiệu trưởng nhận xét, quy định bỏ điểm khuyến khích sẽ giúp trả các cuộc thi trở về đúng nghĩa: học sinh tập trung học văn hóa để thi vào lớp 10 và thấy có năng lực thì đăng kí thi thêm các cuộc thi khác để thỏa mãn năng lực cá nhân. Như vậy, hai cuộc thi văn hóa và thi đội tuyển hoặc thi nghề sẽ không còn liên quan đến nhau. Tuy nhiên, theo phân tích của ông, mọi thứ đều có tính hai mặt. Chẳng hạn bỏ cộng điểm khuyến khích, chắc chắn số lượng học sinh đăng kí tham gia các cuộc thi khác sẽ giảm đi. “Việc ôn thi học sinh giỏi mới khiến học sinh học lệch. Do đó không thể nói việc bỏ điểm cộng khiến học sinh học lệch để thi. Ngược lại, các em có các định hướng tốt hơn cho bản thân thay vì chạy theo các cuộc thi như hiện nay. Cuối cùng, điều tôi mong muốn nhất vẫn là: Cần có lộ trình thích hợp để triển khai. Nếu áp dụng ngay lập tức là chưa phù hợp và gây xáo trộn cho học sinh”, ông chia sẻ.

    Trả lời câu hỏi về việc nếu bỏ cộng điểm khuyến khích vào lớp 10 sẽ không thu hút học sinh tham gia các cuộc thi nữa, một hiệu trưởng tại thành phố Hà Nội cho rằng, bản thân các em đã tham dự các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc thành phố thì đã thừa sức để vào các trường, nên không nhất thiết phải chờ cộng điểm. Còn đối với việc thi và học nghề thì nội dung việc dạy nghề THCS và THPT không còn phù hợp với từng địa phương nhất định, có những nội dung đã lạc hậu từ rất nhiều năm. Cái chính là cần cung cấp cho các em nội dung hữu ích. Như vậy, câu chuyện sẽ không còn nằm ở việc có được cộng điểm hay không hoặc có lấy đó làm tiêu chí tuyển sinh hay không mà nó sẽ có sự thu hút ngay từ những nghề nghiệp hữu ích, thiết thực

    Với việc bỏ quy định về việc cộng điểm khuyến khích thì ngay trong kỳ thi vào lớp 10 THPT chỉ cách còn chưa đầy 1 học kỳ nữa, hàng trăm nghìn học sinh có thể không được cộng điểm ưu tiên. Bỏ điểm cộng của một số cuộc thi vào lớp 10 THPT để tránh tiêu cực là cần thiết, tuy nhiên theo một số cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, cần có lộ trình thích hợp. Một trưởng phòng GD-ĐT khác trên địa bàn thành phố khi được hỏi cũng bày tỏ ý kiến nếu bộ ra quy định chính thức thì sẽ triển khai để các cơ sở giáo dục “chuẩn bị tinh thần”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trên địa bàn quận, các đội tuyển vừa chuẩn bị hết sức để tham gia kỳ thi học sinh giỏi và một trong những mục tiêu quan trọng là có thêm điểm cộng trong kỳ vào lớp 10 sắp tới. Nếu bỏ đi vào lúc này sẽ tạo sự thất vọng không nhỏ đối với nhiều học sinh đã kỳ vọng và bỏ nhiều công sức cho các kỳ thi học sinh giỏi.

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông