18:37 02/10/2024 Bài 3: Nhận diện rõ điểm nghẽn để khắc phục Mặc dù có sự bứt phá, phát triển rất nhanh nhưng công nghiệp Hải Phòng vẫn bộc lộ một số điểm nghẽn, hạn chế, yếu kém; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, với truyền thống của một thành phố có lịch sử phát triển công nghiệp hàng trăm năm và cả với những mục tiêu, định hướng mà thành phố đã xác định. Nhận diện rõ điểm nghẽn và có giải pháp khắc phục sẽ là cú hích quan trọng để công nghiệp Hải Phòng xứng đáng với vai trò trụ cột phát triển.
Tiến độ phát triển KCN, CCN còn chậm
Nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố đặt mục tiêu: cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn như: công nghiệp ô tô, chế tạo máy, điện tử tin học và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao...; huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, thành phố có thêm 15 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp đạt các tiêu chuẩn hiện đại.
Tuy nhiên, đến nay, sau gần 4 năm, Hải Phòng mới thành lập thêm được 2 KCN gồm: Khu công nghiệp dịch vụ và khu phi thuế quan Xuân Cầu với diện tích 752 ha; KCN Tiên Thanh hơn 400ha và 8 CCN. Các KCN còn lại đang thực hiện các trình tự, thủ tục để tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, nguyên nhân dẫn tới việc chưa bảo đảm tiến độ thành lập các KCN mới là do có nhiều quy định và điều kiện thành lập các KCN mới có sự thay đổi, bổ sung; nhiều trình tự, thủ tục phải làm lại dẫn tới không bảo đảm yêu cầu về thời gian. Hơn nữa, việc phê duyệt thành lập các KCN thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ với sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành Trung ương nên thành phố cũng chưa chủ động được về thời gian thực hiện các trình tự, thủ tục.
Đối với việc thành lập các CCN, theo Sở Công Thương, năm 2020, thành phố không thành lập được CCN nào. Trong giai đoạn 2021- 2023, Sở Công Thương tham mưu trình UBND thành phố thành lập 6 CCN với tổng diện tích là 269,61 ha, nâng tổng số CCN được thành lập trên địa bàn lên 13 CCN với tổng diện tích là 519,61 ha. Trong đó, 3 CCN (Tiên Cường 2, Đại Thắng, Giang Biên) cơ bản hoàn thành thủ tục và khởi công. 3 CCN( Dũng Tiến - Giang Biên, Quang Phục, An Thọ) đang thực hiện các thủ tục về xây dựng, đất đai, dự kiến dự kiến sẽ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật cuối năm 2024.
Ngoài ra, Sở Công Thương đã tham mưu, trình UBND thành phố xem xét, thành lập 3 CCN (Tân Trào, Làng nghề cơ khí và đúc Thủy nguyên, Cẩm Văn); bổ sung 3 CCN (Lê Thiện-Đại Bản, phụ trợ Tràng Duệ, Quyết Tiến) vào Quy hoạch phát triển các CCN. Trong đó, 2 CCN (Lê Thiện-Đại Bản, phụ trợ Tràng Duệ) đã lựa chọn được chủ đầu tư, đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; Đồng thời đề xuất UBND thành phố xem xét cho phép nghiên cứu khảo sát 5 CCN (Cao Nhân-Kiền Bái, An Thọ-Chiến Thắng, Quốc Tuấn, Đoàn Xá, Quang Hưng).
Mặc dù vậy, tiến độ thành lập các KCN, CCN chậm, ảnh hưởng tới việc thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp. Theo Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn- Hải Phòng, hiện các KCN Tràng Duệ 1 và 2 do công ty là chủ đầu tư đã được lấp đầy các dự án đầu tư. Vì thế, KCN Tràng Duệ 3 có diện tích 687 ha nằm trên địa bàn các xã Trường Thọ, Trường Thành, An Tiến, Bát Trang (huyện An Lão) được công ty và các nhà đầu tư rất mong chờ. Khu vực này được quy hoạch gồm các phân khu chức năng như đất sản xuất công nghiệp, kho, bãi, đất khu dịch vụ; bãi đỗ xe; đất giao thông; cây xanh, hạ tầng kỹ thuật… Mục tiêu đề ra là xây dựng một khu công nghiệp tập trung đa ngành với công nghệ cao, hiện đại, bảo đảm phát triển bền vững. Tổng vốn đầu tư xây dựng KCN Tràng Duệ 3 khoảng hơn 8000 tỷ đồng. Dự án được đề xuất từ hàng chục năm nay nhưng tiến độ thành lập rất chậm, trong khi có rất nhiều tập đoàn lớn đã tới tìm hiểu và đề nghị được đầu tư.
Cũng như vậy, việc chậm trễ trong thành lập các CCN khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lỡ cơ hội đầu tư. Đặc biệt, chủ trương thành lập các KCN, CCN phụ trợ chưa được thực hiện cũng tác động không nhỏ tới sản xuất công nghiệp thành phố.
Ngoài ra, tiến độ xây dựng các KCN sinh thái cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Hiện nay, toàn thành phố mới có 2 KCN là nam cầu Kiền và DEEP C triển khai xây dựng KCN sinh thái. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc phát triển bền vững của DEEP C, mặc dù DEEP C đã đạt nhiều tiêu chí của KCN sinh thái nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu khó đạt, chủ yếu liên quan tới các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN, ngoài tầm kiểm soát của DEEP C về tiêu thụ điện; sử dụng năng lượng tái tạo… Cùng với đó là khó khăn trong thiết lập các mô hình cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp; phát triển kinh tế tuần hoàn; là sự e ngại tham gia vào khu công nghiệp sinh thái của các nhà đầu tư thứ cấp với tâm lý lo ngại phải đầu tư nhiều hơn dẫn đến chi phí cao hơn…
Thiếu vắng một số ngành công nghiệp thế mạnh.
Xu hướng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp của Hải Phòng những năm gần đây đã tập trung vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Từ đó, đã tạo nên sự bứt phá của công nghiệp với các ngành điện tử; bảng vi mạch điện tử, bo mạch điện tử, linh phụ kiện cho các sản phẩm điện tử, điện thoại di động; linh phụ kiện máy in laser, máy photocopy, kỹ thuật số; sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô … Tuy nhiên, có một số ngành công nghiệp chủ lực trước đây từng là thế mạnh của Hải Phòng thì đang bị mai một và chậm phục hồi, chưa có sự quan tâm đúng mức.
Trong đó, đáng chú ý nhất là ngành đóng tàu. Hải Phòng từng được coi là “thủ đô” của ngành đóng tàu nhưng có một thời gian dài hàng chục năm trầm lắng, gây lãng phí nguồn lực đất đai, nhân lực và cả công nghệ, kỹ thuật. Ông Lê Đoàn Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đóng tàu Thái Bình Dương cho biết, hiện các nước đóng tàu lớn nhất trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã full các đơn hàng cho đến hết năm 2028.
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế bờ biển dài, gần các tuyến hàng hải quốc tế, hệ thống sông ngòi dày đặc, có nhiều lợi thế cho việc đóng tàu, vận tải, khai thác tài nguyên biển trong nước và quốc tế và Hải Phòng lại là một trong những cái nôi lớn của ngành đóng tàu thì chưa được thực sự quan tâm. Theo ông Lê Đoàn Tám, để các cơ sở đóng tàu hồi phục, ngoài chuẩn bị đầu tư về máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất, còn cần phải có nguồn nhân lực đủ đảm đương công việc nhưng đây lại là một trong những điểm yếu nhất hiện nay của ngành đóng tàu. Cụ thể là rất thiếu kỹ sư vỏ, kỹ sư máy có trình độ; công nhân có trình độ tay nghề ít, khó tuyển dụng.
Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp đóng tàu, ngành đóng tàu là một ngành công nghiệp nặng đòi hỏi kỹ thuật cao. Để xây dựng một nhà máy đóng tàu hoàn hảo phải mất 10-15 năm. Các thiết bị của nhà máy đóng tàu cũng đặc thù, để phục vụ sản xuất cần phải có nhiều cẩu sức nâng lớn, nhiều xe chuyên dùng lớn cùng hệ thống cổng trục, cầu trục, đa dạng các thiết bị cơ giới… Tuy nhiên, nguồn vốn cho doanh nghiệp đang là bài toán khó. Theo ông Lê Đoàn Tám, Chủ tịch HĐQT Công ty Đóng tàu Thái Bình Dương, mặt bằng lãi suất ngân hàng 7-14% là áp lực lớn. Trong khi đó, các nước trên thế giới chỉ ở mức 2-3%/năm.
Chính vì thế, các doanh nghiệp đóng tàu kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành sớm rà soát, đánh giá lại vai trò, vị thế của ngành đóng tàu, tìm ra cách thức, phương án phù hợp để khắc phục, xử lý những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn. Nhiều năm nay, từ một ngành có nhiều đóng góp đối với nền kinh tế đất nước, ngành đóng tàu đang dường như bị bỏ quên và thiếu sự quan tâm cần thiết để phát triển đúng tầm vóc. Đặc thù ngành đóng tàu tuy tỷ suất lợi nhuận không cao, nhưng tác động lan tỏa đến nền kinh tế rất lớn, thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển.
Ngoài ra, ngành công nghiệp năng lượng của Hải Phòng chưa thực sự phát triển. Là một địa phương có nhiều tiềm năng về điện gió ngoài khơi, phát triển năng lượng tái tạo và cũng đã có hàng chục nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài tới tìm hiểu, thậm chí đã tổ chức nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án nhưng tới nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai.
Cùng với đó, ngành công nghiệp bán dẫn được coi là ngành công nghiệp có vai trò dẫn dắt, mở ra nhiều cơ hội phát triển với giá trị gia tăng lớn nhưng Hải Phòng vẫn chưa có hành động thật quyết liệt. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 với mục tiêu đến 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm. Một số địa phương đã đi trước đón đầu, công bố chính sách thu hút đầu tư, xây dựng hệ sinh thái vi mạch bán dẫn. Do đó, Hải Phòng cần phải chạy nhanh hơn trong lĩnh vực này.
Một vấn đề nữa cũng rất đáng quan tâm là Hải Phòng chưa thu hút được các Trung tâm nghiên cứu phát triển tầm cỡ. Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, việc thu hút các dự án đầu tư xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo; Trung tâm nghiên cứu, phát triển đòi hỏi nguồn lực lớn về đất đai, năng lượng, chất lượng nguồn nhân lực và nhiều yếu tố khác. Do đó, cũng cần phải có những chính sách đặc thù và thu hút các doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm, tiềm lực mới có thể thực hiện được./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh