13:22 13/09/2022 Thời gian qua, trên khu vực biển, đảo của thành phố liên tiếp xảy ra các vụ việc tàu cá, tàu vận tải gặp sự cố. Công tác phối hợp cứu hộ, cứu nạn trên biển đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố, các cơ quan chức năng triển khai nhanh chóng, kịp thời, giúp ngư dân cũng như chủ tàu giảm thiệt hại về người, phương tiện, yên tâm bám biển mưu sinh.
Kịp thời cứu tàu và thuyền viên gặp nạn
Trong công tác cứu nạn trên biển, ngoài lực lượng chức năng, địa phương, còn có sự tham gia tích cực của lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố. Thời gian qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố liên tục kịp thời trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Đơn cử như ngày 24-6-2022 vừa qua, Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ nhận được thông tin về việc tàu cá NA - 98968 TS, trên tàu có 10 thuyền viên, do anh Đậu Ngọc Minh làm thuyền trưởng, đang khai thác hải sản cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 10 hải lý về hướng Nam Đông Nam bị gãy trục lái, nước tràn vào theo bao ống lái, phương tiện đang thả trôi và có nguy cơ bị chìm.
Ngay sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã thông báo cho các lực lượng và các phương tiện đang khai thác thủy sản ở gần khu vực Tàu cá NA - 98968 TS tham gia cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, thông báo cho Trạm rada 490/Vùng 1 Hải quân quan sát, theo dõi tàu cá NA-98968 TS. lực lượng cứu nạn đã kéo tàu NA - 98968TS đảm bảo an toàn để khắc phục sửa chữa.
Cũng trong tháng 6-2022, Đồn Biên phòng Bạch Long Vĩ nhận được thông tin qua điện thoại của ông Võ Văn Tánh, thuyền viên trên tàu QN-0606 TS (tàu làm nghề khai thác thuỷ sản), trên tàu có 4 thuyền viên đề nghị cứu nạn 1 thuyền viên bị tai nạn trên biển do cá mập cắn vào bắp chân phải trong quá trình lặn dưới biển, địa điểm tại vùng biển cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 12 hải lý về phía Đông Đông Bắc.
Sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã báo cáo, xin ý kiến và được sự nhất trí của đồng chí Chỉ huy trưởng, đã điều động tàu BP 020604 và 8 cán bộ chiến sĩ do đồng chí Thượng tá Phạm Văn Tá trực tiếp chỉ huy, cùng 2 cán bộ nhân viên Trung tâm y tế Bạch Long Vĩ triển khai tiếp cận tàu bị nạn để cấp cứu nạn nhân.
Thời điểm lực lượng cứu nạn tiếp cận, nạn nhân Đạt trong tình trạng bị thương nặng, bắp chân phải bị dập, máu ra nhiều, mạch đập chậm, tiên lượng rất xấu nên đã được đưa sang tàu BP 020604 để tiến hành cấp cứu ban đầu (tiêm trợ tim, truyền dịch) và sau đó được chuyên về Trung tâm y tế quân - dân y Bạch Long Vĩ để tiếp tục cấp cứu, điều trị. Đồng thời, đảm bảo an toàn về người, trang bị, phương tiện.
Theo Thượng tá Phạm Văn Tá, Chính trị viên Đồn biên phòng Bạch Long Vĩ, một trong những nguyên nhân chính các phương tiện gặp nạn trên biển là do một số chủ tàu chưa trang bị đầy đủ các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, sử dụng tàu cá cũ, máy móc cũ, có tuổi đời cao nhưng ít bảo dưỡng định kỳ nên dễ hư hỏng.
Không những thế, một số tàu cá chỉ có 1 máy chính, không có máy phụ dự phòng, trong trường hợp không khắc phục được sự cố đành thả trôi, dẫn đến nguy cơ đâm va vào đá ngầm, phương tiện khác.
Mặt khác, một số ngư dân chưa được trang bị và đào tạo bài bản, đầy đủ kỹ năng đi biển, kỹ năng đánh bắt và an toàn trên biển, mà chủ yếu là làm theo kinh nghiệm được truyền.
Từ đó, dẫn tới tình trạng ngư dân không thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn trên biển như: không mang áo phao, không hiểu rõ hoặc không chấp hành các quy định về sử dụng đèn tín hiệu, còi báo, đấu nối hệ thống điện trên tàu không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn… dẫn đến sự cố đáng tiếc.
Phòng ngừa, ứng phó hiệu quả tai nạn trên biển
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022, tình hình thời tiết khí hậu thủy văn có nhiều diễn biến khó lường, trên biển Đông sẽ xuất hiện từ 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố ven biển.
Đại tá Kiều Mạnh Hiệp, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng thành phố thông tin: Để bảo đảm an toàn cho ngư dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố chỉ đạo các đồn, trạm làm chặt, làm nghiêm từ khâu kiểm soát ở đầu bến, khi tàu xuất bến phải có đầy đủ trang thiết bị an toàn cho thuyền viên, trang bị đầy đủ thiết bị phòng, chống cháy nổ; thiết bị giám sát hành trình phải mở 24/24.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Hải quân… hỗ trợ công tác cứu nạn cứu hộ, nhất là ở những vùng biển xa, trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Các đơn vị chủ động nắm số lượng, hoạt động của tàu cá, cung cấp tần số liên lạc của các đài duyên hải để ngư dân tiện liên lạc, thông tin về tình hình trên biển.
Thực tế cho thấy, tai nạn trên biển chủ yếu do thời tiết xấu, thiết bị tàu hư hỏng và bệnh tật. Trong khi đó, nghề đi biển không thu hút được lao động trẻ, khỏe, do môi trường làm việc quá khắc nghiệt, thu nhập chưa tương xứng với công sức bỏ ra nên nhiều người không mặn mà. Điều này dẫn đến chủ tàu phải thuê những người chưa có kinh nghiệm nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đặc biệt, hoạt động bắt hải sản chủ yếu vào ban đêm, trái với nhịp sinh học của con người nên rất nguy hiểm với những người bị bệnh cao huyết áp, ruột thừa, dạ dày mạn tính.
Để giảm rủi ro tai nạn trên biển, hằng năm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, các lực lượng chức năng tổ chức các hội nghị cho ngư dân về an ninh an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu trên biển, chủ quyền biển đảo…; từ đó giúp bà con ngư dân nắm rõ thông tin để hoạt động trong vùng biển cho phép, tránh tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra.
Đồng thời, Bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp các lực lượng chức năng liên tục rà soát các tàu đủ điều kiện an toàn hoạt động trên biển.
Theo Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Bạch Đằng (Đồn biên phòng Tràng Cát) Phạm Hồng Kiên, Trạm hiện đang quản lý hàng trăm phương tiện đánh bắt xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Để các phương tiện ra khơi bảo đảm an toàn, trước khi tàu xuất bến, 100% số tàu cá đều được kiểm tra, kiểm soát kỹ về điều kiện an toàn, nhất là, công tác đăng kiểm tàu cá được triển khai nghiêm ngặt, nhằm hạn chế tình trạng tàu bị hư hỏng trên biển.
Đối với những phương tiện không đủ điều kiện, đơn vị nhắc nhở, hướng dẫn chủ phương tiện khắc phục ngay, nếu chủ phương tiện tiếp tục vi phạm sẽ lập biên bản để xử lý và thông báo tới các đơn vị liên quan.
Việc mở thiết bị giám sát hành trình không chỉ giúp cơ quan quản lý xác định chính xác vị trí tàu hoạt động trên biển, kịp thời ứng cứu khi xảy ra sự cố, mà còn giúp chủ tàu có thể cập nhật thông tin thời tiết để chủ động vào nơi tránh, trú an toàn khi có bão. Bên cạnh việc bảo đảm trang thiết bị kỹ thuật, ngư dân cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng để khắc phục sự cố, tai nạn trong thời gian chờ lực lượng chức năng ứng cứu.
Hiện, trước mỗi chuyến ra khơi, bên cạnh nhiệm vụ kiểm soát đầu bến, các tổ công tác biên phòng dành thời gian hướng dẫn ngư dân kiểm tra máy móc, thiết bị kỹ càng; phát hiện những hỏng hóc mà tàu hay gặp và cách xử lý; hướng dẫn sơ cấp cứu ban đầu khi ngư dân gặp nạn.
TRUNG KIÊN
23:14 20/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết