14:38 04/06/2023 Theo Cục Thuế Hải Phòng, thời gian qua, ngành Thuế luôn thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện quyền và nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách, một số đối tượng đã thành lập DN để mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp, có các hành vi gian lận khi sử dụng hóa đơn, chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Cục Thuế Hải Phòng thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Thành lập doanh nghiệp ma để buôn bán hóa đơn
Lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng cho biết, thời gian gần đây đã tăng cường công tác quản lý, đấu tranh với nạn thành lập doanh nghiệp để buôn bán hóa đơn. Mặc dù vậy, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Mới đây, Cục Thuế Hải Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng đã phát hiện có 2 doanh nghiệp được thành lập để buôn bán hóa đơn với doanh thu 200 tỷ đồng và 1000 tỷ đồng. Truy tới cùng thì phát hiện chủ doanh nghiệp là hai vợ chồng ở đường Điện Biên Phủ, quận Ngô Quyền. Trong đó, ông chồng đã chết từ tháng 9-2022; vợ bán nước chè. Hai người này, mỗi người đứng tên một chủ doanh nghiệp.
Điều đáng nói là khi được hỏi, người vợ cho rằng hoàn toàn không biết gì về chuyện lập doanh nghiệp. Nghĩa là, đã có kẻ mạo danh họ để thành lập doanh nghiệp, buôn bán hóa đơn kiếm lợi nhuận bất chính. Có thể coi đây là một trong những vụ việc điển hình về việc lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật trong thành lập doanh nghiệp để nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân. Cũng từ đây đã bộc lộ những sơ hở trong việc kiểm tra, giám sát “hậu thành lập doanh nghiệp” để ngăn chặn những hành vi sai trái, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Trước đó, tại Hải Phòng, cũng đã từng xảy ra nhiều đường dây, nhiều vụ thành lập doanh nghiệp để buôn bán hóa đơn trái phép, đã được công an phát hiện và điều tra xử lý.
Trên địa bàn cả nước, tình trạng thành lập doanh nghiệp để buôn bán hóa đơn trái phép cũng đang là vấn đề khá nan giải. Đầu tháng 5- 2023, Công an thành phố Hồ Chí Minh phát hiện đường dây mua bán hóa đơn quy mô lớn, doanh số hóa đơn xuất khống lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã khám xét 9 địa điểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, tạm giữ 70 con dấu doanh nghiệp, nhiều ổ cứng máy vi tính, điện thoại di động, một số lượng lớn hóa đơn, chứng từ ghi khống nội dung, trị giá.
Tại cơ quan công an, những người này khai nhận từ năm 2018 đến khi bị bắt đã sử dụng thông tin CMND của người thân và CMND, CCCD mua ở các tiệm cầm đồ để thành lập 49 "công ty ma" tại thành phố Hồ Chí Minh, 10 "công ty ma" tại Đồng Nai. Sau đó, các nhóm này tìm khách hàng trên mạng, liên hệ để chào bán hóa đơn giá trị gia tăng ghi khống nội dung với mức giá thỏa thuận là 1,5% - 2% trị giá hóa đơn chưa thuế.
Kết quả điều tra xác định người cầm đầu đã cấu kết với những người khác thành lập các "công ty ma" tại thành phố Hồ Chí Minh, xuất khống hơn 20.000 tờ hóa đơn giá trị gia tăng cho gần 4.000 công ty khác nhau trên 35 tỉnh, thành, trị giá ghi trên hóa đơn khoảng 4.000 tỷ đồng.
Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cũng mới bắt giữ các đối tượng liên quan đến đường dây "Mua bán trái phép hoá đơn" trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Theo công an, thông qua các mối quan hệ xã hội, nhóm này đã tìm đến địa bàn có các khu, cụm công nghiệp hoặc địa bàn xa trung tâm để thành lập các công ty "ma", dưới vỏ bọc đăng ký ngành nghề kinh doanh là các lĩnh vực có nhu cầu sử dụng hóa đơn như vật liệu xây dựng, dịch vụ ăn uống… Sau đó, các nhóm này tìm cách liên hệ với kế toán, giám đốc doanh nghiệp để chào mời mua hóa đơn với giá trị thấp từ 2% đến 8%, rồi xuất bán hóa đơn, hưởng lợi nhuận.
Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, nhóm này hoạt động vô cùng tinh vi và có sự tính toán kỹ càng, để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng mua lại những công ty đã ngừng hoạt động, sau đó thay đổi tư cách pháp nhân bằng cách thuê người đứng tên giám đốc và thành lập công ty mới. Không những vậy, chúng còn đến các cửa hàng kinh doanh có điều kiện (hiệu cầm đồ, nhà nghỉ…) mua lại những CMND cũ, không có người nhận để giả mạo chữ ký sau đó làm hồ sơ đăng ký những người này làm giám đốc doanh nghiệp và thành lập hàng chục các công ty khác nhau. Những công ty "ma" này thường chỉ hoạt động trong thời gian nhất định từ vài tháng đến 1, 2 năm rồi lại tiếp tục thành lập các công ty khác.
Đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát
Là thành phố lớn thứ 3 cả nước, số lượng doanh nghiệp hoạt động lớn, trong công tác quản lý, Cục Thuế Hải Phòng đặc biệt chú trọng tới các biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn tình trạng buôn bán hóa đơn trái phép.
Theo lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng, Cục đã chỉ đạo triển khai thực hiện sâu rộng và nghiêm túc Chỉ thị 01 ngày 11-4-2023 của Tổng cục Thuế về tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn. Cục chỉ đạo các đơn vị rà soát các thông tin có nội dung rao bán hóa đơn điện tử không hợp pháp tại các nền tảng không gian mạng: facebook, website, zalo... Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cục tổ chức tháng cao điểm thực hiện phòng, chống các tổ chức, cá nhân mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, gian lận hoàn thuế: Căn cứ vào thực tế công tác quản lý tại địa phương, cục thuế triển khai, giao nhiệm vụ phòng chống gian lận hoàn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, thực hiện rà soát, kiểm tra hóa đơn tới từng công chức, từng đội, từng phòng quản lý người nộp thuế và gắn với công tác thi đua, khen thưởng.
Đồng thời, tăng cường công tác rà soát hóa đơn, đánh giá rủi ro thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế; đánh giá rủi ro tổng thể thông qua các ứng dụng đang triển khai của ngành thuế, qua thực tiễn công tác quản lý thuế, quản lý hóa đơn, tình hình kê khai, nộp thuế,... để xây dựng kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra, tránh tình trạng bỏ sót các DN có rủi ro, DN nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra. Thực hiện thanh tra, kiểm tra đúng đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm rủi ro cao và theo đúng quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, rà soát, đánh giá xác định DN có dấu hiệu rủi ro cao trong sử dụng hóa đơn để thực hiện kiểm tra vi phạm hóa đơn và thực hiện giám sát trọng điểm, thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra thuế theo quy định.
Đáng chú ý, Cục Thuế Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người nộp thuế (NNT) về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ… để NNT tránh tham gia vào các giao dịch mua bán hóa đơn, tạo thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, Cục Thuế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng cường bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý thuế để kịp thời phát hiện các hành vi gian lận về hóa đơn.
Cùng với đó, yêu cầu cán bộ, công chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính trong quá trình thực thi công vụ, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tránh để xảy ra tình trạng gây nhũng nhiễu, khó khăn cho người nộp thuế hoặc làm ngơ, tiếp tay, tham gia vào các hoạt động mua bán, gian lận về hóa đơn nhằm chiếm đoạt tiền thuế./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh