12:20 26/12/2020 Ở mùa giải thứ 9, Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học thành phố Hải Phòng năm học 2020-2021 đã đi vào nề nếp, nhiều dự án có tính khoa học cao, học sinh tự tin trong trình bày và trả lời câu hỏi trước các nhà khoa học. Thông qua cuộc thi đã đẩy mạnh phong trào nghiên cứu KHKTlan tỏa mạnh mẽ trong học sinh phổ thông, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, là tiền đề quan trọng trong việc đưa giáo dục STEM vào nhà trường, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục…
NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi
Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã có công văn hướng dẫn triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và tổ chức cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021, triển khai tới các đơn vị trong toàn thành phố. Căn cứ hướng dẫn của Sở GD-ĐT, các đơn vị, trường học đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho đơn vị mình và triển khai thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc, đạt hiệu quả. Cuộc thi cấp cơ sở chọn cử được những dự án tiêu biểu tham dự cuộc thi cấp thành phố.
Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm nay có tổng số 205 dự án đăng ký dự thi, trong đó 76 dự án cấp THCS của 14 phòng GD-ĐT; 129 dự án cấp THPT của các trường THPT trên địa bàn thành phố. Các dự án đăng ký dự thi thuộc 18 lĩnh vực, chia làm 5 nhóm lĩnh vực. Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi cấp thành phố, những dự án, đề tài của các em học sinh đa dạng, phong phú về lĩnh vực nghiên cứu, thể hiện niềm đam mê sáng tạo khoa học, đồng thời mang tính thực tiễn và nhân văn cao. Đáng chú ý là, những vấn đề nêu ra và giải quyết trong phạm vi các đề tài, dự án đều xuất phát từ thực tế cuộc sống mà các em phát hiện, nhìn nhận được.
NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT trao giải Nhất cho các tác giả dự án
Cuộc thi cấp thành phố chia làm hai vòng thi: vòng thi sơ khảo và vòng thi chung khảo. Sở GD-ĐT đã thành lập Ban chỉ đạo Cuộc thi KHKT do NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT làm Trưởng ban. Sở GD-ĐT đã tổ chức chấm sơ khảo vào ngày 27-11, tại trường THPT Thái Phiên và Ban tổ chức đã mời 39 thầy cô thuộc Sở GD-ĐT, Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Hải Phòng, Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Khoa học - Công nghệ… (không có thầy cô thuộc cấp THCS và THPT) tham gia Hội đồng chấm. Tại vòng thi này, các thầy cô chỉ chấm báo cáo của các dự án và mỗi dự án có thầy, cô chấm độc lập. Sau khi chấm sơ khảo, Ban tổ chức đã lựa chọn được 130 dự án tham gia vòng trong.
Trong 5 ngày 15, 16, 17, 18 và 19-12, tại trường THPT Thái Phiên, vòng thi chung khảo có 130 dự án tham gia, trong đó có 58 dự án cấp THCS của 50 trường THCS và 44 dự án cấp THPT của 35 trường THPT chia làm 5 nhóm lĩnh vực. Trước đó, ngày 16-12, 130 gian trưng bày đã được Trường THPT Thái Phiên chuẩn bị ở khu vực Nhà thi đấu và Hội trường. Ngày 17-12, các đơn vị nộp báo cáo, poter, sản phẩm trưng bày và nhận thẻ dự thi cho mỗi học sinh. Chiều 17-12, các em cùng giáo viên hướng dẫn trang trí các gian trưng bày của mình. Trong 2 ngày 18, 19-12, các thầy cô Ban giám khảo đã tiến hành chấm các dự án bằng cách chấm Báo cáo và chấm tại Gian trưng bày. Khi chấm tại gian trưng bày, học sinh phải thuyết trình trước các thầy cô Ban Giám khảo và trả lời các câu hỏi do thầy cô đưa ra. Mỗi dự án có 3 thầy/cô tham gia chấm độc lập.
Trao giải các tác giả dự án
Sáng 19-12, Ban tổ chức chọn 10 dự án xuất sắc tham gia Vòng thi Chung cuộc (5 dự án cấp THCS và 5 dự án cấp THPT) thuộc 7 lĩnh vực (KHXH hành vi, vi sinh, hóa sinh, kỹ thuật cơ khí, y học dịch chuyển, hệ thống nhúng, năng lượng vật lý). Ở phần thi này, học sinh thuyết trình trước Hội đồng Ban Giám khảo (có 10 thầy cô là PGS.TS, trong đó có 5 giám khảo Hà Nội và 5 giám khảo Hải Phòng), học sinh có thể thuyết trình bằng tiếng Anh. Sau đó, học sinh nghe tư vấn và trả lời các câu hỏi do thầy cô đưa ra. Ở vòng Chung khảo, Ban tổ chức đã mời 24 thầy cô là Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ thuộc các đơn vị: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Hàng hải Việt Nam, Đại học Hải Phòng, Đại học Y Dược Hải Phòng, Viện tài nguyên môi trường biển… tham gia chấm dự án. Dựa trên kết quả chấm, Ban tổ chức đã lựa chọn được 13 giải Nhất, 27 giải Nhì, 40 giải Ba và 50 giải Tư.
Trao giải các tác giả dự án
Phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải, NGUT.PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh, trong thời kỳ thành phố đang phát triển đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa hiện nay đòi hỏi hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật phải tiến hành ngay từ bậc học phổ thông, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực. Với sức lan tỏa mạnh mẽ từ Cuộc thi KHKT trong học sinh phổ thông với hàng trăm dự án, công trình khoa học kỹ thuật được các cấp đánh giá cao và chọn dự thi hàng năm, sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập và phát triển năng lực của học sinh theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Giám đốc Sở GD-ĐT yêu cầu các phòng nghiệp vụ của Sở, các phòng GD-ĐT và các nhà trường tiếp tục phát huy kết quả các công trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật đã được giáo viên và học sinh nghiên cứu, nâng cao chất lượng để đưa vào ứng dụng trong cuộc sống.
HẢI HẬU
10:41 22/12/2024
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh