16:18 21/05/2020
Sáng 21-5, trong khuôn khổ ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, thảo luận về dự án Luật doanh nghiệp, Đại biểu Mai Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên – Cty Xi măng Vicem Hải Phòng (ĐBQH Hải Phòng) đồng tình cao với báo cáo giải trình của UBTVQH, đồng thời góp ý kiến làm rõ thêm nhiều vấn đề trong dự thảo luật.
Đại biểu Mai Hồng Hải (ĐBQH Hải Phòng) phát biểu ý kiến tham gia vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp, sáng 21-5
Về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), ông Hải đặt vấn đề, việc dự thảo luật quy định: DNNN bao gồm cả DN do nhà nước nắm trên 50% vốn thì có phù hợp không ? và tỉ lệ >50% đã đảm bảo chi phối chưa ?
Theo ông Hải, ở đây có sự khác nhau giữa “DNNN” về hình thức và “DN của NN” về sở hữu.
DNNN được tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, Công ty TNHH MTV hoặc 2 thành viên (TV) trở lên. “Đây là loại hình doanh nghiệp đối vốn, nghĩa là quyền lợi và trách nhiệm tương ứng với số vốn cổ phần sở hữu, kể cả 1 đồng thì vẫn là của nhà nước 1 đồng” – Đại biểu Mai Hồng Hải khẳng định.
Đại biểu Mai Hồng Hải, giải thích trong tờ trình của CP, báo cáo của UB thẩm tra, UBTVQH có lúc viết “DN do NN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là DNNN” dẫn đến hiểu chỉ cần nắm giữ trên 50% vốn là DN của nhà nước toàn bộ, nên băn khoăn là có đảm bảo nguyên tắc đối vốn không ? Nhưng trong Dự thảo luật đưa ra khái niệm theo cách liệt kê “DNNN bao gồm cả DN trên 50% vốn điều lệ” là phù hợp. Có nghĩa là đó là 1 loại hình DNNN nhưng Nhà nước chỉ sở hữu chi phối vốn (vẫn đảm bảo nguyên tắc đối vốn), mà chi phối vốn thì phải chi phối hoạt động, nên cần được tăng cường quản lý của NN bằng luật.
Khác luật DN hiện hành 2014 thì DNNN đồng nhất về hình thức và sở hữu là của nhà nước toàn bộ 100%.
Xét về tổng thể việc sửa đổi luật DN lần này là theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với DN nói chung, chặt chẽ hơn trong quản lý DNNN là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cụ thể hóa được chủ trương NQTW 12 về quản lý DNNN.
Đại biểu Mai Hồng Hải - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Xi măng Vicem HP (ĐBQH Hải Phòng)
Đại biểu Mai Hồng Hải cho rằng, cần bổ sung điều khoản về nguyên tắc quản lý DNNN thông qua người đại diện, thậm chí kể cả phần vốn NN ở các DN mà NN nắm giữ dưới 50% vốn (đây là phương thức đang thực hiện). Đồng thời phân cấp làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong quản lý, điều hành DNNN ở luật này và luật 69 - Quản lý vốn và tài sản NN đầu tư vào DN. Ông Hải nêu ví dụ: “Thẩm quyền của UBQLV Nhà nước tại DN; Thẩm quyền xử lý về vốn và tài sản DNNN là công ty con nằm trong Tập đoàn, TCTy Nhà nước; hoặc việc chuyển vốn và tài sản DNNN về chính quyền địa phương… luật hiện hành còn có khoảng trống gây khó khăn trong thực tế, nhất là trong CPH, tái cơ cấu DNNN”.
Đại biểu Mai Hồng Hải cho rằng, việc nắm giữ trên 50% là có quyền quyết định phần lớn các việc trong quản lý kinh doanh DN thông qua quyết nghị tại Đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị. Chỉ còn một số việc phải cần trên 65% mới có hiệu lực, như thông qua điều lệ, chuyển đổi DN … Tuy nhiên với việc nắm giữ trên 50% đảm bảo có lợi thế quyết định và đặc biệt hoàn toàn có quyền phủ quyết, nghĩa là có quyền chi phối đối với hoạt động kinh doanh của DN. Vì vậy, theo đại biểu Mai Hồng Hải, dự thảo luật quy định tỷ lệ vốn chi phối là trên 50% là phù hợp.
Về vấn đề có nên Quy định Hộ kinh doanh (KD) trong Luật DN không? Theo đại biểu Mai Hồng Hải là không nên, ngoài những phân tích trong báo cáo của UBTVQH, ông Hải nhận thấy hầu như tất cả chúng ta đều thống nhất Hộ KD là một loại hình kinh doanh nhưng Hộ KD không phải là DN. Việc quy định chung trong luật DN nhưng thực chất là độc lập, Hộ KD chỉ được điều chỉnh trong chương 7a mà thôi. Ngoài ra, nội dung quy định cụ thể về Hộ KD trong Dự thảo cũng còn sơ khai tương tự như quy định về đăng ký Hộ KD trong Nghị định 78/2015, đồng thời còn một số điểm không rõ ràng, cụ thể:
- Dự thảo luật về Hộ KD nhưng không đưa ra khái niệm thế nào là Hộ KD;
- Hộ KD có thể do các thành viên gia đình cùng đăng ký, nhưng thành viên gia đình theo khoản 16 điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì rất rộng:
Thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột. “Như vậy Hộ KD sẽ thành Họ KD” – Ông Hải ví von!
Đại biểu Mai Hồng Hải đặt vấn đề: Luật có quy định về Hộ gia đình, nhưng thế nào là hộ gia đình thì không rõ, Hộ gia đình kinh doanh thì có đồng nhất với Hộ KD không ? Trong Luật Dân sự cũng không giải thích khái niệm Hộ gia đình. Về địa điểm kinh doanh, Dự thảo có đề cập đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nhưng Dự luật Cư trú sửa đổi dự kiến sẽ bỏ quản lý dân cư theo hộ khẩu. So với dự thảo kỳ họp 8 thì kỳ này đã sửa chấp nhận Hộ KD không đăng ký KD như hiện hành (hàng rong, làm muối …), nhưng vấn đề quản lý các Hộ KD không đăng ký KD thế nào thì luật không quy định. Theo ông Hải, điều rất quan trọng là dự thảo chưa cho thấy các chính sách mới khơi dậy tạo động lực cho Hộ KD hoạt động và phát triển, thậm chí phát triển thành DN là gì.
Theo ông Hải, luật về kinh doanh thì phải giải quyết đồng thời 2 mục đích: quản lý nhà nước về kinh doanh và tạo lập cải thiện môi trường kinh doanh. Những quy định về Hộ KD trong dự thảo luật dường như chưa đánh giá hết tác động đối với đối tượng chịu ảnh hưởng là các Hộ KD.
Đại biểu Mai Hồng Hải đồng ý cần thiết phải từng bước luật hóa Hộ KD, nhưng theo ông Hải, có lẽ chưa phải là bây giờ và ở đây, nên chăng cần tổng kết thực tiễn để ban hành luật về Hộ KD.
Về quản trị doanh nghiệp và DNNN, nghiên cứu xem xét một cách kỹ lưỡng các nội dung quy định của Dự thảo luật liên quan đến quản trị DN và DNNN đại biểu Mai Hồng Hải có ý kiến góp ý về 30 điều khoản có liên quan. Trong đó có một số điểm chính:
Điều lệ doanh nghiệp có ý nghĩa và là cơ sở pháp lý rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh của DN. Căn cứ luật này và các quy định khác, mỗi DN phải xây dựng Điều lệ hoạt động của DN mình nhưng không được trái luật. Tuy nhiên Dự thảo luật có 9 khoản mục quy định “trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác” là chưa chặt chẽ, có thể hiểu là Điều lệ được phép quy định khác luật, trái luật. Theo ông Hải, cần quy định rõ Điều lệ được cụ thể hóa luật, nhưng không được trái, không lỏng hơn quy định của luật.
Bên cạnh đó, ông Hải cho biết, tại Khoản 2 điều 193 dự thảo luật quy định công ty con và mỗi công ty thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty có quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp độc lập theo quy định của pháp luật, dẫn đến thẩm quyền của chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu, người đại diện vốn, Hội đồng thành viên Tổng CTy và Công ty con không rõ ràng trong quản lý điều hành, nhất là việc xử lý cổ phần hóa, tái cấu trúc các công ty con. Theo ông Hải, HĐTV là đại diện vốn, nhưng HĐTV trong DNNN, nhất là Công ty con còn hình thức. “Việc lớn thì Công ty mẹ quyết, việc nhỏ thì TGĐ quyết!” – Đại biểu Mai Hồng Hải nêu quan điểm!
THẾ KHOA
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh