17:47 22/05/2020
Ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 22-5, phát biểu thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam (ĐBQH Hải Phòng) nhất trí cao với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và bổ sung Chương trình năm 2020 và đặc biệt rất ấn tượng, nhất trí về nguyên tắc. Trong đó, theo ông Khải, nguyên tắc đầu tiên có nêu là ưu tiên đưa vào chương trình các dự án luật có vai trò là thể chế hóa chủ trương chỉ đạo của các Hội nghị Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thể chế hóa Hiến pháp, v.v.. Đại biểu Nghiêm Vũ Khải (HP) phát biểu thảo luận tại hội trường QH sáng 22-5 Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho biết, cách đây 10 năm, tháng 4 năm 2010 Bộ Chính trị có ban hành Chỉ thị 42 về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trong đó có một điều mà giới trí thức, khoa học công nghệ Việt Nam đón nhận với một sự phấn khởi, tin tưởng và rất nhiều hy vọng, đó là Bộ Chính trị công nhận Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội được Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp theo là Thông báo 353 của Ban Bí thư có yêu cầu các cơ quan hữu quan trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tức là khóa 2011-2016 phải nghiên cứu, ban hành hai luật, một là Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp, hai là Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. Về Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp, (gọi tắt là Luật Kỹ sư chuyên nghiệp), đại biểu Nghiêm Vũ Khải thông tin: “Cho đến năm 2017 chúng tôi nghiên cứu chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì cũng chưa có việc này. Cho đến năm 2018 Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tiến hành một loạt các nghiên cứu khoa học, nghiên cứu về mặt pháp lý, pháp luật, kinh nghiệm quốc tế, cũng đã chuẩn bị 2 dự án luật là Luật Kỹ sư chuyên nghiệp và Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ”. Ông Khải nêu vấn đề, cuối năm 2018 có đề nghị với Chính phủ là đề xuất vấn đề xây dựng Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp và trong trường hợp này thì Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam sẵn sàng nếu được phân công sẽ đảm nhận trách nhiệm là trình dự án luật. Tại kỳ họp thứ 7, tháng 5 năm ngoái. Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu là “về Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam đề xuất Thường vụ Quốc hội xem xét, nếu đáp ứng tiêu chuẩn sẽ đưa vào chương trình” có nghĩa là chương trình 2020. Nhưng sau đó có một số cuộc họp, có một số ý kiến của một vài bộ, ngành nêu lên, chúng tôi đã giải trình là những ý kiến đó không có cơ sở. Ví dụ như nói hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp đã quy định ở nhiều luật cho nên không cần quy định một đạo luật nữa. Chúng tôi trả lời rằng chúng tôi đã nghiên cứu 30 luật về các ngành kinh tế kỹ thuật đều không có quy định đáng kể, chỉ có Luật Xây dựng quy định khá chi tiết nhưng cũng chỉ dành cho ngành xây dựng, không thể áp dụng Luật Xây dựng cho các ngành khác như cơ khí, khai thác hầm lò, khai thác lộ thiên, về khoáng sản, cầu đường, các ngành như kỹ sư thông tin, v.v.. Cho nên chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị phải nghiên cứu ban hành Luật Kỹ sư chuyên nghiệp. Đại biểu Nghiêm Vũ Khải cho rằng, kinh nghiệm quốc tế 10 nước ASEAN chỉ có ta với bạn Lào là chưa có luật này. Tất cả các nước G7, G20, các nước tiên tiến đều có luật, ở Mỹ luật này đã có hơn 100 năm. Đó là một trong những yếu tố để phát triển đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp vô cùng quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh hội nhập, dịch chuyển lao động thế giới, hôm qua chúng ta nghe Luật Người Việt Nam đi lao động nước ngoài, chúng ta có lao động kỹ thuật cao hay không là vấn đề chính quy hóa, hiện đại hóa đội ngũ trí thức khoa học công nghệ và kỹ sư lành nghề của Việt Nam thì mới có thể dành được thị phần lao động một cách xứng đáng. Ông Khải đề nghị tuy có thể muộn nhưng riêng Luật Hành nghề kỹ sư chuyên nghiệp bổ sung vào kỳ họp thứ 11 vào tháng 3/2021, đó là một nhu cầu rất cấp bách và cần thiết. Ví dụ chúng ta hành nghề y dược thì có Luật Khám, chữa bệnh, kiểm toán, kế toán cũng có luật liên quan, Luật Luật sư, công chứng hay giáo viên có trong Luật Giáo dục. Những lĩnh vực nào mà có luật quy định về nghề nghiệp thì sẽ càng ngày càng được chính quy hóa, hiện đại hóa. Đó là một thực tiễn mà quốc tế làm cho nên chúng ta cần phải làm – đại biểu Nghiêm Vũ Khải khẳng định. Về Luật Phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, ông Khải thông tin: Cách đây 4 ngày là ngày 18/5 chúng ta kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam. Tại sao lại chọn ngày 18/5, chính là ngày 18/5/1963 Chủ tịch Hồ Chí Minh có dự một đại hội thành lập Hội phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ kỹ thuật Việt Nam. Tại đấy Bác Hồ có phát biểu nhiều chủ trương và những tư tưởng chỉ đạo mà cho đến ngày nay vẫn còn giá trị, ví dụ như Bác nói khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm để chủ nghĩa xã hội thắng lợi, thì ngày đó là ngày khoa học và công nghệ Việt Nam. Cách đây gần 60 năm Bác Hồ đến trực tiếp dự và chỉ đạo tại Đại hội thành lập cho nên vấn đề phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật là vấn đề vô cùng quan trọng, làm nền tảng cho vấn đề nhận thức của nhân dân và cũng là cơ sở để chúng ta phát triển nền khoa học và công nghệ nước nhà… THẾ KHOA |
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh