15:43 05/11/2022 Sáng 5-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phát hiện nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng qua thanh tra đột xuất
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết từ ngày nhậm chức đến nay, đã chỉ đạo hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng trong ngành như thế nào, kết quả ra sao?
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thanh tra đột xuất được thực hiện theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, của Chính phủ, Thủ tướng. Căn cứ vào chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, quy mô lớn, phức tạp, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý; chuyển nhiều hồ sơ sai phạm của cán bộ sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý theo thẩm quyền.
Trong đó, có vụ việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, AVG, Dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Gang thép Thái Nguyên, vụ thuốc ung thư tại công ty cổ phần VNPharma và các dự án đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, trang thiết bị vật tư, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine.
Tổng Thanh tra khẳng định, các cuộc thanh tra đột xuất này đều được thực hiện với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất để báo cáo ban chỉ đạo, Thủ tướng, Chính phủ.
Khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) về giải pháp khắc phục việc chậm ban hành kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, có nhiều giải pháp. Trước hết, dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, điều chỉnh thời hạn công bố kết quả thanh tra với các cuộc thanh tra lớn, phức tạp từ 15 lên 30 ngày. Trước đây, tất cả các cuộc thanh tra đều 15 ngày, bây giờ tách ra, Thanh tra Chính phủ với quy mô phức tạp là 30 ngày, còn các cấp thanh tra khác là 20 và 10 ngày.
Về báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước dự thảo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đang báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến các bộ ngành. Nhưng theo dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi thì chỉ quy định ba trường hợp cần báo cáo thủ trưởng cơ quan là liên quan đến quốc phòng an ninh; do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo; do yêu cầu thực tế trong quá trình lãnh đạo mà thủ trưởng cơ quan quản lý yêu cầu báo cáo. Khi cơ quan thanh tra báo cáo những trường hợp này, chậm nhất là 30 ngày, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phải có ý kiến, nếu không cơ quan thanh tra sẽ ban hành kết luận.
Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp, đẩy nhanh tiến độ, khắc phục chậm ban hành kết luận thanh tra, quy định trách nhiệm cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra, thành viên đoàn, người giám sát... phải xử lý nếu để lọt lộ, chậm ban hành.
Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: Đoàn thanh tra bị cấm nhận quà, tiền, giao lưu ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức, làm lộ, lọt bỏ sót hành vi vi phạm... Đồng thời, mong đại biểu và cử tri giúp Thanh tra Chính phủ giám sát, phản ánh sai phạm của các thành viên đoàn thanh tra tại các địa phương, bộ ngành
Vẫn có tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu trong thi hành công vụ
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) đề cập đến vấn đề xử lý tham nhũng, tiêu cực. Đại biểu cho biết, hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh. Hiện tượng tham nhũng vặt đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân. Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý. Đại biểu đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp nào để thúc đẩy phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực này một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới?
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận, qua thanh tra, các cơ quan nhận thấy có thực trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công vụ, trong đó có cả cán bộ trong lĩnh vực thanh tra. Còn tình trạng cố tình kéo dài thời gian trả lời người dân, trả lời chung chung, khiến họ phải đi lại nhiều lần. Thậm chí, có tình trạng vòi vĩnh bằng nhiều cách thức khác nhau để vụ lợi cá nhân.
Tổng Thanh tra cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tránh gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tình trạng "giấy phép con".
Trả lời đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) về hiện tượng chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: các cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán đã ban hành quy chế phối hợp triển khai, xử lý chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như tổ chức thực hiện thanh tra.
Trong quá trình tổ chức thanh tra, nếu phát hiện ra sự chồng chéo thì giữa 2 cơ quan có sự bàn bạc, trường hợp không xử lý được sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước để trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì với bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Về lâu dài, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thanh tra, kiểm toán theo hướng là quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.
Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp
Trả lời đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) về tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thất thoát còn thấp, tham nhũng trên một số lĩnh vực còn diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chia sẻ, đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã là thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước. Kết quả 9 tháng năm 2022, thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.
Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng.
Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Sau thanh tra thi hành án và kịp thời tháo gỡ khó khăn những quá trình thu hồi và tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng.
Có thanh tra sử dụng kinh phí của chính lực lượng thanh tra?
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) phản ánh, ngoài nguồn chi từ NSNN để bảo đảm cho các hoạt động của Thanh tra, ngành Thanh tra còn được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp NSNN. Theo số liệu của Thư viện Quốc hội cung cấp từ nguồn của Bộ Tài chính, cơ quan Thanh tra Chính phủ trong 5 năm từ 2016-2020 đã được thụ hưởng 388 tỷ đồng. Đại biểu đề nghị Thanh tra Chính phủ cho biết đã bao giờ thanh tra việc sử dụng nguồn kinh phí này chưa, đánh giá việc trích lập, sử dụng kinh phí này ra sao?
Giải trình nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, theo quy định của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ được phép trích lại một tỷ lệ theo mức độ số lượng tiền thu hồi ở từng cuộc thanh tra, để phục vụ đầu tư trở lại, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất cho đội ngũ thanh tra các cấp, đồng thời cũng để động viên khen thưởng tập thể cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động thanh tra.
Tuy nhiên, đây không phải nguồn kinh phí tính riêng theo ngân sách hàng năm, mà phần này được tính chung vào nguồn ngân sách cho ngành Thanh tra. Nghĩa là trong chi ngân sách cho Thanh tra Chính phủ gồm 2 phần, phần chi trực tiếp để trả lương và phần trích từ thu hồi sau kết luận thanh tra đã nộp vào NSNN. Phần trích này chỉ là dự kiến nếu thu được, nhưng thu không đủ, sẽ bị giảm chi tương ứng.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, từ khi ông nhận nhiệm vụ, nguồn chi phí cho việc trích này rất eo hẹp, buộc Thanh tra Chính phủ phải cắt giảm nhiều nội dung như hội nghị, tiếp khách, công tác nước ngoài, nhiều việc phải đắn đo, chỉ tập trung cho công việc. Thanh tra Chính phủ được giao định mức 34 xe ô tô để phục vụ cho các đoàn thanh tra đi công tác. Tuy nhiên số xe này đã sử dụng tới 15-20 năm. Được sự quan tâm của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã dành một phần từ nguồn trích trên để mua xe ô tô mới thay thế các xe cũ đã quá khấu hao, không đảm bảo an toàn giao thông. Đến nay, Thanh tra đã mua được 9 xe ô tô, thời gian tới sẽ tiếp tục khắc phục để thay thế dần.
Có sự khác biệt giữa kết luận của Thanh tra và Ủy ban Kiểm tra
Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) phản ánh, thời gian qua có vụ việc khi thanh tra kết luận thì không có khuyết điểm, hoặc chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì phát hiện sai phạm, cơ quan điều tra xử lý hình sự. Phải chăng do pháp luật chưa đồng bộ, hiểu pháp luật chưa đúng hay có tiêu cực trong quá trình thanh tra và đề nghị Tổng Thanh tra làm rõ.
Trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu câu chuyện giải quyết đơn thư tố cáo của tỉnh Bình Thuận do Thanh tra Chính phủ đã tiến hành vừa qua và cho rằng, có lẽ đại biểu Đặng Hồng Sỹ đề cập đến trường hợp này. Sự việc này vào năm 2019, trên cơ sở đơn thư tố cáo của một nguyên cán bộ tỉnh Bình Thuận tố cáo lãnh đạo tỉnh Bình Thuận có làm sai một số vụ việc, trong đó có một vụ việc liên quan đến công tác thanh tra, đó là vụ việc chuyển mục đích sử dụng sân golf sang khu đô thị.
Riêng về vụ việc này, Thanh tra Chính phủ đã thành lập một đoàn kiểm tra để rà soát lại các nội dung thì có một số sự thay đổi. Thứ nhất, trước đây thanh tra và kiểm toán đã tiến hành, thanh tra căn cứ vào kết quả kiểm toán có kế thừa. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của sân golf sang khu đô thị thì có một số sai phạm, đó là: không dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội; việc xác định giá đất chưa chính xác. Kể cả Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ kết luận yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận phải tính toán, xác định lại theo đúng pháp luật. Nhưng sau 1-2 năm UBND tỉnh Bình Thuận không thực hiện, người tố cáo tiếp tục tố cáo.
Theo Tổng Thanh tra, khi ông mới nhận nhiệm vụ Tổng Thanh tra thì có chỉ đạo và rà soát, sau đó có những sai phạm và đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra. Sau khi giải quyết đơn thư thì Ủy ban Kiểm tra Trung ương có xem xét việc này, thấy được trách nhiệm của thanh tra 2 vấn đề. Một là, giải quyết việc này còn chậm. Hai là, có kế thừa kết quả kiểm toán và Bộ Xây dựng, nên cả 3 cơ quan này các đồng chí lãnh đạo đều đã có hình thức xử lý kỷ luật trong thời gian vừa qua.
Hồng Thanh
11:40 11/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh