20:59 24/10/2024 Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và thảo luận tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Dữ liệu.
Nghiên cứu cho phép công đoàn được ký hợp đồng và trả lương cho cán bộ công đoàn cơ sở
Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, về cơ bản dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, đã bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12-6-2021 về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và một số chủ trương, Nghị quyết của Đảng về tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành…
Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri là cán bộ công đoàn cơ sở về dự thảo luật, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về thời gian làm việc của cán bộ công đoàn cơ sở như luật hiện hành là hết sức bất cập, còn mang tính bình quân, chưa phù hợp với quy mô các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp lớn, có số lượng người lao động đông. Từ đó đề nghị không nên quy định cụ thể số lượng, thời gian như dự thảo luật mà chỉ cần quy định nguyên tắc chung: cán bộ công đoàn không chuyên trách được bảo đảm thời gian để thực hiện nhiệm vụ công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương.
Tổng thời gian làm việc của toàn bộ cán bộ công đoàn không chuyên trách được xác định trên cơ sở tương ứng với số lượng đoàn viên công đoàn. Đồng thời, giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định thời gian làm việc của cán bộ công đoàn cơ sở theo quy mô của từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp theo hướng như dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 là hợp lý.
Các đại biểu cũng đề nghị, cần rà soát quy định cụ thể về quy mô tổ chức, số lượng cán bộ công đoàn không chuyên trách đối với từng loại tổ chức công đoàn, tránh gây gánh nặng cho người sử dụng lao động. Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện nội dung này để bảo đảm việc thực hiện giảm giờ làm việc cho cán bộ công đoàn không chuyên trách được thống nhất.
Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) đề nghị, ngoài những trường hợp cán bộ công đoàn là công chức, viên chức phải theo biên chế, theo quy định thì những trường hợp cán bộ công đoàn chuyên trách, không phải là cán bộ công chức và cán bộ công đoàn không chuyên trách nên giao cho công đoàn thực hiện quyền chủ động.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Tống Văn Băng, cán bộ công đoàn, đặc biệt cán bộ công đoàn chuyên trách tại các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu là người lao động của doanh nghiệp đó. Vì thế, nếu cán bộ công đoàn tham gia đấu tranh, hỗ trợ cho người lao động dễ bị người sử dụng lao động có biện pháp xử lý.
Do đó, nếu cho phép công đoàn được ký hợp đồng lao động đối với cán bộ công đoàn, do công đoàn trả lương sẽ hạn chế được rất nhiều những khó khăn, những vướng mắc và những thiệt thòi cho cán bộ công đoàn tại công đoàn cơ sở. Nói cách khác, cũng cần thiết quy định thêm một khoản là có cơ chế đặc thù để tuyển chọn cán bộ công đoàn cơ sở và giao cho Chính phủ hướng dẫn, quy định ký hợp đồng lao động cho cán bộ công đoàn tại công đoàn cơ sở, nhất là trong các doanh nghiệp.
Mở rộng đối tượng tham gia BHYT
Chiều 24-10, đại biểu Quốc hội thảo luận tổ. Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng.
Thảo luận tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, các đại biểu góp ý đối với quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến); đồng tình cao với quy định bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Cùng với đó, góp ý với quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; về phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và phân bổ thẻ bảo hiểm y tế…
Đại biểu Đỗ Mạnh Hiến (Hải Phòng) đánh giá cao ban soạn thảo quy định nhiều nhóm đối tượng, trong đó có nhóm đối tượng “hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên”. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị đối tượng trong luật nên bao trùm hơn; quan tâm tới nhóm đối tượng nhân viên y tế thôn, bản được hưởng chế độ BHYT. Đồng thời chú trọng kiểm tra, kiểm soát giá thuốc được áp dụng khi hưởng BHYT.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị bổ sung thêm một số trường hợp cần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước để tham gia BHYT như nạn nhân bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh; người thuộc hộ thoát nghèo; người cao tuổi từ 65 đến dưới 75 tuổi. Đồng thời nên khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia BHYT tại các cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học sinh, sinh viên về BHYT.
Đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn đối với trường hợp cơ sở để thiếu thuốc, vật tư y tế do những nguyên nhân khách quan, bất khả kháng mà không thể chuyển người bệnh tới cơ sở khám, chữa bệnh khác khiến người bệnh phải mua thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì cơ sở y tế phải có trách nhiệm thanh toán cho người bệnh tham gia BHYT...
Đại biểu Nguyễn Đức Dũng (Hải Phòng) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung đối tượng hưởng chế độ BHYT là thân nhân của dân quân thường trực. Hiện Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số điều của Nghị định 72, trong đó có quy định thân nhân của dân quân thường trực được tham gia BHYT như đối với thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ đang công tác trong QĐND Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam. Theo thống kê, trên toàn quốc hiện có khoảng 82.000 dân quân thường trực, thân nhân của họ khi tham gia BHYT có mức đóng 4,5% mức lương cơ sở, thì ngân sách Nhà nước chi khoảng 72 tỷ đồng/năm.
Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) đề nghị quy định rõ chế tài, chính sách của Nhà nước nhằm xử lý các doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHYT hoặc không có khả năng thanh toán nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Luật Dữ liệu quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Thảo luận tổ về dự luật này, các đại biểu khẳng định, việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp thiết; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số. Đồng thời góp ý kiến đối với quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; đề nghị chủ quản dữ liệu khi cần cung cấp, chuyển giao dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Cùng với đó là đánh giá các rủi ro mà hoạt động cung cấp, chuyển giao dữ liệu có thể ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo yêu cầu của luật…
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh