09:34 24/10/2022 Sáng 22-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 12 cùng đoàn An Giang và Bình Dương. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự họp. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng điều hành phiên thảo luận.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá rất cao, ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dù có nhiều khó khăn, thách thức khó lường nhưng nước ta vẫn đạt được những kết quả tích cực và có nhiều điểm sáng đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn phải phân tích, nhìn nhận rõ những thách thức trong thời gian tới để có giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả, phấn đấu giữ vững mức tăng trưởng cao. Các đại biểu Quốc hội Hải Phòng đóng góp nhiều ý kiến tại cuộc thảo luận tổ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dành nhiều thời gian phân tích và làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm về thị trường xăng dầu. Theo Bộ trưởng, cả thế giới đều điêu đứng phải đối mặt với vấn đề năng lượng, đáng lo ngại là giá cao nhưng cũng không có hàng để mua. Giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam hiện duy trì ở ngưỡng từ 21 nghìn – 25 nghìn đồng, ở thời điểm này là 23 nghìn đồng/lít. Bộ trưởng cho biết, giá xăng dầu của Việt Nam thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất trên thế giới, trừ Malaysia trợ cấp trong nước cho người dân của họ, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua giá của khu vực, cao hơn bình quân giá của Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của tình hình thế giới nên biên độ dao động của giá xăng dầu rất cao, trong 10 kỳ điều hành liên tiếp (300 ngày) liên tục giảm, nhưng đến thời điểm này bắt đầu lên. Như vậy, những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập với giá cao ở kỳ trước nhưng bán giá thấp đương nhiên bị thua lỗ, chưa kể nguồn cung thế giới thiếu. Tuy nhiên, về nguồn cung, Việt Nam chưa bao giờ thiếu nên dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác. Bộ trưởng khẳng định hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11 và các tháng tới các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, nhập khẩu. Nguồn cung không thiếu nhưng bán ra thị trường có khó khăn. Doanh nghiệp phải mua giá cao, nhập giá cao kỳ trước, bán trong kỳ với giá thấp thì lỗ, mà đã lỗ thì ai dám làm. Bên cạnh đó, hàng loạt chi phí đã lỗi thời, từ lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng; chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho bãi…
Về việc thiếu hụt nguồn xăng dầu tại các tỉnh phía nam, Bộ trưởng cho biết là do siết chặt công tác quản lý; tăng cường chống buôn lậu xăng dầu. Do đó, chỉ còn nguồn cung cấp xăng dầu chính thống. Trong khi nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động nên nguồn cung cấp xăng dầu chính thống khó khăn, chiết khấu thấp, lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ nên ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp.
Bộ trưởng Công Thương cho rằng, xăng dầu do 7 bộ, ngành và địa phương cùng chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Bộ Công Thương chỉ được giao làm sao đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường, quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối tới thương nhân phân phối. Trong hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện có 4 tầng nấc: doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối (đơn vị nhận hàng từ doanh nghiệp đầu mối), đại lý, tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ. Tổng đại lý,đại lý và cửa hàng bán lẻ có khoảng 17.000 cửa hàng. Đây là hệ thống do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp, quản lý trực tiếp. Do đó, cần sự vào cuộc của các ngành liên quan, chính quyền địa phương mới đồng bộ.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, những thành tựu đạt được là rất đáng phấn khởi. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ, kết quả 9 tháng qua mới lấp đầy lỗ hổng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, 3 tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 vẫn có nhiều thách thức. Do đó, cần có giải pháp cụ thể, căn cơ để giữ vững tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng đề cập tới một bộ phận CBCC yếu kém về năng lực, trình độ và đặc biệt là bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm; một số quen cách làm cũ, tham nhũng vặt, không có lợi thì không làm… Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, cần có giải pháp khắc phục.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi phân tích những hạn chế, bất cập của việc tuyển sinh đại học bằng xét tuyển và cho rằng còn nhiều điều chưa hợp lý, có em 29-30 điểm vẫn trượt. Đại biểu đề xuất nên xét tốt nghiệp THPT và tổ chức thi đại học, giao cho các trường tự tuyển sinh, Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ quản lý Nhà nước sẽ đáp ứng yêu cầu. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cũng đề xuất có biện pháp lâu dài, căn cơ trong việc cấm khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép, không chỉ để EU tháo gỡ thẻ vàng mà chính vì lợi ích của đất nước, của các ngư dân. Muốn vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với các biện pháp rất cụ thể.
Đại biểu Lã Thanh Tân nêu những vướng mắc, khó khăn trong sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, nhất là việc dôi dư cán bộ, chuyển đổi vị trí công tác cho họ rất khó khăn, cơ chế đãi ngộ cho cán bộ phải sắp xếp, nghỉ việc và đề nghị nên có hướng dẫn để tinh giản bộ máy. Đối với việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, thẩm quyền giao cho HĐND cấp tỉnh, đi qua quy trình nhiều bước, mất nhiều thời gian. Do đó, đại biểu đề xuất về sáp nhập thôn tổ dân phố nên giao cho UBND cấp tỉnh.
Đại biểu Lã Thanh Tân cũng nêu rõ, việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, người dân phải chuyển đổi giấy tờ có liên quan. Hiện có chính sách người dân không phải nộp lệ phí nếu thay đổi giấy tờ có liên quan, nhưng việc sáp nhập thôn, tổ dân phố thì chưa có chính sách miễn giảm này, nên có quy định phù hợp.
Đại biểu đề nghị cần sớm hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác tài nguyên vùng bờ để các địa phương có cơ sở để quản lý và khai thác.
Về tình hình thực tế của Hải Phòng, đại biểu Lã Thanh Tân cho biết, Hải Phòng đang thực hiện nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, yêu cầu phát triển rất cao, nguồn lực cần có rất lớn. Do đó, đề nghị Quốc hội xem xét tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho Hải Phòng năm 2023 ở mức 78/22, tạo điều kiện để Hải Phòng phát triển.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nêu rõ, từ tháng 6-2020 đến nay có hơn 39.000 CBCC, viên chức nghỉ việc, tập trung vào ngành giáo dục, y tế. Đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh, chúng ta yêu cầu rất cao về trách nhiệm, nghĩa vụ nhưng thiếu cơ chế phát huy và chưa được bảo vệ đúng mức, thu nhập chưa tương xứng nên cần có chính sách cụ thể, rõ ràng hơn.
Đồng chí Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng đề cập tới những bất cập trong công tác quy hoạch. Theo Luật quy hoạch mới, sẽ có 111 quy hoạch, bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia; 63 quy hoạch địa phương; 39 quy hoạch ngành; 8 quy hoạch khu vực vùng. 111 quy hoạch này sẽ thay thế hơn 3700 quy hoạch hiện hành, tinh thần chung là sẽ rõ ràng, đỡ rối hơn nhưng tiến độ còn chậm. Do đó, cần thúc đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch.
Đồng chí Trần Lưu Quang cũng đề cập tới sự cần thiết phải sơ kết, tổng kết về mô hình chính quyền đô thị vì chưa có sự rạch ròi giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Ngoài ra, về cơ chế phân bổ nguồn lực, nên có ưu tiên phát triển đô thị cho vùng động lực…
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh