09:49 27/10/2024 Ngày 26-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về ngân sách Nhà nước; đầu tư công; kế hoạch tài chính; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn cùng đoàn Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu.
Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đồng tình với quan điểm xây dựng thể chế là nguồn lực, động lực, là mục tiêu của sự phát triển; xây dựng pháp luật với tư duy đổi mới. Đại biểu cũng nêu lên một số hạn chế trong thi hành luật như còn tình trạng nợ đọng và chậm ban hành văn bản; thiếu quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật; việc phân cấp, phân quyền còn bất cập, còn tập trung nhiều ở Trung ương; vẫn còn tình trạng chưa đúng vai, thuộc bài… Đại biểu phản ánh tình trạng chồng chéo của các văn bản luật, ngay cả một số luật mới như Luật Đất đai cũng sớm bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. Đại biểu đề nghị có cách xử lý mạnh mẽ hơn, có cơ chế để các tổ chức độc lập với các chuyên gia giỏi tham gia xây dựng pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đại biểu Lã Thanh Tân cũng nêu một số khó khăn trong phát triển các KCN, KKT từ thực tế Hải Phòng, đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện dự án Luật về Khu Kinh tế, Khu công nghiệp trình Quốc hội xem xét thông qua. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế NĐ số 02 năm 2017 theo hướng tăng mức hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do thiên tai, nhất là sau cơn bão số 3, thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp của các địa phương, trong đó có Hải Phòng khá nặng nề.
Đại biểu Lã Thanh Tân đề cập tới tình trạng già hóa dân số; lười sinh, chậm cưới trong giới trẻ hiện nay, tác động tới nguồn nhân lực trong tương lai, đề nghị Chính phủ sớm có các giải pháp để xử lý. Theo đại biểu, vấn đề này hiện mới dừng ở mức truyền thông, hiệu quả còn khiêm tốn. Theo đại biểu, cần có sự điều tra rõ nguyên nhân của tình trạng chậm kết hôn, lười sinh con, tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia để có giải pháp kịp thời, hiệu quả, trong đó sớm sửa đổi Luật Dân số, thể ché quan điểm mới của Đảng về dân số…
Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) đề nghị có giải pháp khắc phục tình trạng ban hành văn bản dưới luật chậm; thậm chí có một số nghị định, thông tư khi ban hành chất lượng không cao, chưa sát. Việc phổ biến giáo dục pháp luật cũng cần phải tăng cường hơn nữa, nhất là với những đối tượng cò nhiều khó khăn trong tiếp cận các văn bản pháp luật…
Đại biểu Tống Văn Băng cũng đề cập tới tình hình lao động việc làm. Theo đại biểu, hiện lao động phi chính thức gia tăng ảnh hưởng tới phát triển chung, ổn định xã hội. Hiện doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng, năm 2024 tăng cao, tác động tới việc làm cho lao động chính thức. Ngoài ra, chỉ tiêu tăng năng suất lao động không đạt bởi tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo vẫn cao. Đại biểu đề xuất Chính phủ quan tâm tới đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tăng năng suất lao động, đáp ứng mục tiêu phát triển đất nước.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) đề nghị, về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần thực tế, khách quan, tránh việc lợi dụng điều chỉnh và không phản ánh đúng nhu cầu sử dụng đất của ngành, địa phương, khu vực.
Đại biểu cũng cho rằng, trong Luật Quy hoạch có 2 quy hoạch: quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch không gian biển quốc gia. Trong đó, quy hoạch không gian biển quốc gia triển khai chậm, Chính phủ, Quốc hội cần sớm có giải pháp. Theo quy hoạch không gian biển quốc gia, trong phạm vi 6 hải lý trở vào, các tỉnh, thành phố ven biển được quyền khai thác sử dụng nhưng còn vướng và cần quy định chi tiết, cụ thể hóa các không gian nhỏ hơn để cấp phép khai thác chuẩn xác. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp phát triển nuôi biển để giảm khai thác, đánh bắt hải sản bất hợp pháp; hiện 28 tỉnh, thành phố ven biển chưa có địa phương nào giao ngư dân nuôi biển theo đúng nghĩa…
Về phát triển KTXH, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng, bên cạnh các giải pháp nhằm bảo đảm mức tăng trưởng GDP, cần quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe của nền kinh tế, bảo đảm sự bền vững và ổn định lâu dài. Cùng với đó, nguồn lực của đất nước phụ thuộc vào độ mở của chính sách, nên đánh giá, rà soát lại xem chính sách của ta đã thực sự mở hay chưa; chú trọng tới việc giải phóng sức dân và giải phóng nguồn lực của doanh nghiệp.
Về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hồng Diên (Hải Phòng) cho biết, từ năm 2004 đến nay, Luật Điện lực qua 4 lần sửa đổi nhưng lần sửa đổi này mang tính tổng thể, toàn diện, nhằm giải quyết những bất cập, vướng mắc liên quan đến vấn đề điện hiện nay; đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực về điện lực; thể chế hóa các chủ trương của Đảng về điện lực, không để chồng chéo giữa luật này với các luật khác; đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng cao; phát triển nguồn điện có tiềm năng lớn, nhất là năng lượng tái tạo… Ngoài ra, trên thực tế rất cần các cơ chế đặc biệt để quyết định chủ trương đầu tư các công trình điện khẩn cấp…
Đại biểu Nguyễn Hồng Diên cũng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết sửa đổi Luật Điện lực, đề nghị đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua, đáp ứng yêu cầu về điện trong phát triển đất nước./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh