11:05 18/11/2024 Đã ở tuổi 87, sức khỏe có phần giảm sút nhưng bà Trương Thị Len, đại biểu Quốc hội khóa 2 (1960-1964) vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp, sung sướng khi cô công nhân bé nhỏ, trẻ tuổi của Nhà máy xi măng Hải Phòng được tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội. Gần 80 năm qua kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946), với 15 nhiệm kỳ Quốc hội, Hải Phòng có hàng trăm đại biểu tham gia và cống hiến hết mình. Trong số đó, nhiều người đã qua đời, nhưng những người còn lại dù ở đâu, cương vị công tác nào, sức khỏe ra sao, dù tuổi cao như bà Trương Thị Len hay ít tuổi hơn và đã nghỉ công tác nhưng vẫn giữ nguyên trong mình ngọn lửa nhiệt huyết và niềm tự hào, vinh dự người đại biểu của nhân dân; luôn sáng mãi một trái tim hồng.
Bài 1: Những dấu ấn khó phai mờ
Đồng chí Trần Ngọc Vinh, nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng khóa 12 (2007- 2011), khóa 13 (2011-2016), hiện là Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hải Phòng cho biết, từ khi thành lập cho tới nay, sức nóng nghị trường chưa bao giờ giảm sút và luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước. Mỗi đại biểu Quốc hội Hải Phòng, dù ở cương vị nào đều phát huy tốt nhất vai trò người đại biểu nhân dân, để lại những dấu ấn khó phai mờ không chỉ trong thời gian làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội mà cả sau này khi trở lại với công việc, đời sống thường ngày. Để làm được, giữ được như vậy hoàn toàn không dễ nhưng đã mang trong mình bầu máu nóng của đại biểu Quốc hội thì phải “cháy hết mình”.
Góp tiếng nói, giải pháp cho sự phát triển của thành phố và đất nước
Đồng chí Nguyễn Văn Thuận, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng khóa 11 (2002-2007) cho biết, thời điểm đầu những năm 2000, đất nước đang trên đà thực hiện công cuộc đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, của dân, do dân, vì dân trở nên vô cùng quan trọng và cấp bách.
Vì thế, Quốc hội đã dành thời gian, công sức để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các đạo luật kinh tế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Theo đó, tại nhiệm kỳ này, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp Nhà nước; Luật ngân sách nhà nước; Luật đất đai; Luật cạnh tranh; Luật điện lực; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Doanh nghiệp; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và cả những vấn đề rất mới như Luật Chứng khoán…, hướng tới thực hiện nền kinh tế đa thành phần, định hướng XHCN.
Đồng chí Nguyễn Văn Thuận cho biết thêm, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã xem xét, quyết định phương án xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La, một công trình rất lớn, tác động trực tiếp đến công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và đời sống của nhân dân; Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm 2003; Nghị quyết về giáo dục; nghị quyết về chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh; Nghị quyết về tập trung chỉ đạo xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất…
Hòa mình với không khí sôi động của nghị trường thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng khóa 11 cho biết, mỗi thành viên của đoàn Hải Phòng đều có những đóng góp quan trọng vào thành công của kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng pháp luật; giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, đồng chí Trần Đức Lương, lúc đó là Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Thị Hằng, khi đó là Bộ trưởng Bộ Lao động- TBXH là thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đã có nhiều ý kiến rất quan trọng, góp phần vào sự phát triển của thành phố. Trong đó, có đề xuất xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện và ngày 5-8-2003 đã được đưa vào nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước.
Có thể khẳng định, đây là những nền móng rất cơ bản để Hải Phòng phát triển khi hiện nay, các bến cảng nước sâu Lạch Huyện được gấp rút đầu tư xây dựng, 2 bến đã hoàn thành; 4 bến đi vào hoạt động năm 2025; 2 bến số 7,8 đã được cấp phép và hàng loạt các bến tiếp theo sẽ được đầu tư, cùng với các loại hình giao thông khác đồng bộ và hiện đại, mở ra một thời kỳ phát triển vô cùng sôi động của Hải Phòng; nâng cao khả năng cạnh tranh; thu hút đầu tư… Từ đó, tạo việc làm, tăng thu ngân sách và khẳng định vị thế của Hải Phòng, cửa ngõ ra biển lớn nhất phía Bắc.
Không những thế, đoàn Hải Phòng và đoàn thành phố Hồ Chí Minh cùng đề xuất, kiến nghị và được Quốc hội thông qua nghị quyết về giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có thành lập các trung tâm giáo dục xã hội. Đây là cơ sở để năm 2004, Trung tâm giáo dục xã hội Gia Minh của Hải Phòng được thành lập, góp phần quan trọng để Hải Phòng ngăn chặn, phòng, chống tệ nạn ma túy đang là nỗi bức xúc, nhức nhối lúc bấy giờ.
Đây là những kỷ niệm, những dấu ấn mà đồng chí Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng khóa 11 mãi mãi không quên khi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội gắn liền với sự phát triển của đất nước và thành phố, đặt nền tảng quan trọng cho bước đột phá của Hải Phòng những năm sau này.
Đồng chí Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng khóa 12, 13 là đại biểu rất “nổi tiếng” trên diễn đàn Quốc hội. Đến nay, đồng chí không nhớ rõ có bao nhiêu lần phát biểu trên hội trường, tại tổ, trả lời phỏng vấn của báo chí và các hoạt động khác trong 10 năm làm nhiệm vụ đại biểu nhân dân. Tuy nhiên, sức nóng nghị trường và tâm huyết của đại biểu Quốc hội vẫn còn nguyên vẹn.
Trong đó, câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN và PTNT của đại biểu Trần Ngọc Vinh: “thịt lợn có chất cấm, chuối ngâm thuốc trừ sâu..., đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ ngắn và dễ dàng đến thế; nguyên nhân là gì, chính sách chưa đủ sức răn đe hay bộ thiếu quyết tâm, trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng như thế nào khi hàng năm có chục nghìn cái chết được báo trước xuất phát từ thức ăn nhiễm độc?” thực sự làm nóng nghị trường và có sức lan tỏa sâu rộng. Câu hỏi này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội và các Bộ, ngành đã có câu trả lời cụ thể.
Đồng chí Trần Ngọc Vinh cho biết, sau khi ông phát biểu thì một số báo chí, truyền hình đã đưa và có những chuyên mục về vấn đề này. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc rất quyết liệt trong việc ngăn chặn thực phẩm bẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ; Chính phủ tổ chức cuộc họp quan trọng toàn quốc bàn về vấn đề an toàn thực phẩm; rõ quan điểm kiên quyết ngăn chặn thực phẩm bẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý nghiêm vi phạm. Đồng chí Trần Ngọc Vinh vui mừng vì đến nay, vệ sinh an toàn thực phẩm có chuyển biến rõ rệt, người dân đã được tiêu thụ sản phẩm sạch và an toàn.
Có thể nói, 10 năm làm đại biểu Quốc hội, đóng góp của đồng chí Trần Ngọc Vinh với Quốc hội, đất nước và thành phố là không nhỏ nhưng đồng chí vẫn luôn khiêm tốn và tự đánh giá: “tôi cố gắng phấn đấu điểm trung bình vì chưa nói hết được tiếng nói của cử tri, chưa nói được một số vấn đề còn bất cập. Đã là đại biểu Quốc hội thì phải chịu khó học hỏi, đọc, đi thực tế để nghe dân vì nếu chỉ đọc thì lý luận trên trời”. Và bây giờ, khi đã rời nghị trường nhiều năm, đồng chí Trần Ngọc Vinh vẫn luôn giữ trong mình nhiệt huyết ấy để đóng góp xây dựng thành phố và đất nước.
Đại biểu Quốc hội giữ vững chất công nhân
Bà Trương Thị Len, năm nay đã bước sang tuổi 87 nhưng khí chất công nhân của đại biểu Quốc hội khóa 2 vẫn rất đậm nét. Bà kể: năm 1955, bà vào làm công nhân Nhà máy xi măng Hải Phòng khi mới 17 tuổi. 2 năm sau, với sự nhiệt huyết, hết lòng vì công việc, bà được phân công là tổ trưởng tổ đá nhỏ ca A của nhà máy; bà và anh chị em trong tổ có rất nhiều thành tích và được tuyên dương là “Tổ lao động xã hội chủ nghĩa đầu tiên” của miền Bắc; bà Len được mọi người trìu mến gọi là “Con chim đầu đàn của Tổ đá nhỏ ca A”.
Do tích cực phấn đấu, bằng những kết quả đã đạt được, năm 1960, bà Len được tín nhiệm và được bầu là đại biểu Quốc hội khóa 2 (1960-1964), khi mới 22 tuổi. Đến bây giờ, bà Trương Thị Len vẫn nhớ rõ niềm vinh dự, tự hào khi là đại biểu Quốc hội trẻ nhất tặng hoa Bác Hồ trong ngày khai mạc kỳ họp.
Và trong suốt thời gian làm đại biểu Quốc hội, bà Len có nhiều kỷ niệm khó quên khác. Năm 1963, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ 73 tuổi, Trung ương Đoàn thanh niên tổ chức một đoàn đại biểu Quốc hội trẻ tuổi đến chúc thọ Bác tại Phủ Chủ tịch và đại biểu Trương Thị Len được đại diện cho đoàn đại biểu phát biểu chúc mừng Bác.
Đại biểu Trương Thị Len cảm động, nghẹn ngào đứng lên thưa với Bác: “Thưa Bác, hôm nay mừng thọ Bác 73 tuổi, chúng cháu thay mặt thanh niên cả nước kính chúc Bác sống lâu muôn tuổi!”. Bác cười hiền từ nói: “Các cháu yên tâm, năm nay Bác đã 73 tuổi, nhưng vẫn còn đủ sức để cùng các cháu thi đua làm việc cho cách mạng”.
Bà Trương Thị Len nhớ lại, Quốc hội khóa 2 hoạt động trong bối cảnh vừa xây dựng và phát triển kinh tế ở miền Bắc, vừa chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ nên có những chính sách phù hợp về dân chủ, quan tâm tới lợi ích nhiều mặt, hàng ngày của các tầng lớp nhân dân.
Khi đó, tuy chỉ là cô công nhân trẻ nhưng bà vẫn mạnh dạn phát biểu tại hội trường về các chính sách liên quan tới công nhân và được Bác Hồ lắng nghe, sau đó tóm tắt lại, yêu cầu khi ban hành các nghị quyết, văn bản luật phải ngắn gọn, dễ hiểu để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân tiếp thu và thực hiện được.
Bà Trương Thị Len cũng còn nhớ, các phiên họp của Quốc hội lúc ấy rất ngắn gọn, đi vào đúng trọng tâm. Đồng chí Trường Chinh khi đó là Chủ tịch Quốc hội điều hành rất sát sao, trọng điểm, có sức thuyết phục. Đoàn đại biểu Hải Phòng có đồng chí Hoàng Hữu Nhân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố; có nhà văn Nguyễn Đình Thi; có đại diện hội phụ nữ, đoàn thanh niên; giai cấp công nhân… nên có rất nhiều ý kiến tham gia các nội dung kỳ họp.
Theo bà Len, một khóa làm đại biểu Quốc hội đã giúp bà học hỏi được rất nhiều điều và thực sự trưởng thành. Sau đó, bà được cử đi học Trường Công đoàn Trung ương và gắn bó với công đoàn Nhà máy Xi măng Hải Phòng cho tới khi nghỉ hưu.
Như vậy, chất công nhân đưa bà tới diễn đàn Quốc hội và gắn bó với bà tới ngày nay. Thật vinh dự và tự hào khi bà có tới 7 lần được gặp Bác Hồ và luôn ghi nhớ lời dạy của Bác “Làm cán bộ, nhưng đừng bao giờ để mất chất công nhân, cán bộ phải gương mẫu, đảng viên phải gương mẫu, chí công, vô tư”. Khi nghỉ hưu, bà vẫn tích cực tham gia mọi hoạt động của địa phương và chỉ chịu nghỉ khi sức khỏe không cho phép. Ngày 3-2-2024, bà đã được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng./.
(Còn tiếp)
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh