Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội và Sở Giáo dục - Đào tạo: Tư vấn tâm lý học đường và hướng nghiệp cho gần 1.000 giáo viên chủ nhiệm tại Hải Phòng

    15:18 23/05/2020

    Sáng 23-5, chương trình tọa đàm trực tuyến về Kỹ năng, nghiệp vụ giáo viên chủ nhiệm diễn ra bằng hình thức tọa đàm trực tuyến và livestream trực tiếp trên fanpage của Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội; link facebook: https://www.facebook.com/education.vnu.edu.vn/ với sự tham gia của các chuyên gia giáo dục đầu ngành đến từ trường Đại học Giáo dục -Đại học Quốc gia Hà Nội và gần 1.000 cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm của trên 60 trường THPT thành phố Hải Phòng, đặc biệt tại một số trường tổ chức các điểm cầu tập trung.

    Các đại biểu, thầy cô giáo và học sinh, sinh viên tại điểm cầu Trường THPT Trần Nguyên Hãn

    Lựa chọn sai nghề, gây lãng phí lớn

    Trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đối với mọi mặt đời sống xã hội, ngành Giáo dục đã phải điều chỉnh kế hoạch năm học, tinh giản chương trình cho học kỳ 2, dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình...; các cơ sở giáo dục, các thầy cô, các em học sinh phải đối mặt rất nhiều vấn đề do dịch bệnh gây ra. Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến về Kỹ năng, nghiệp vụ giáo viên chủ nhiệm cho giáo viên thành phố Hải Phòng.

    Tại điểm cầu trường THPT Trần Nguyên Hãn do TS Nguyễn Anh Thuấn, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp và Đại học, Sở GD-ĐT chủ trì, với sự tham dự của gần 100 các thầy cô giáo, học sinh và gần 20 sinh viên Trường Đại học Hải Phòng.

    Thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn chia sẻ, về định hướng nghề nghiệp ở khối các trường phổ thông còn hạn chế. Trên thực tế, các em học sinh lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn các trường đại học còn mang tính chất cảm tính, chưa có cơ sở khoa học để lựa chọn đúng. Công tác tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề chưa thực sự được coi trọng, chưa thực sự là hiệu quả dẫn tới khả năng các em học sinh lựa chọn ngành nghề sai; tỷ lệ bước chân vào các trường THPT, các trường ĐH còn rất cao, và nó gây lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc, ảnh hưởng tới cuộc sống của các em học sinh nói riêng, gia đình nói chung.

    Trường THPT Trần Nguyên Hãn, liên tục trong 3 năm qua, đã khảo sát đối với các em học sinh về năng lực, sở thích sau khi ra trường. Qua khảo sát trong 2 năm vừa rồi, ở khối 12 cho thấy có đến 59% đăng ký thi vào khối ngành kinh tế - tài chính.

    Theo Hiệu trưởng THPT Trần Nguyên Hãn, vấn đề tư vấn hướng nghiệp định hướng nghề trong các trường phổ thông cần được đẩy mạnh, không chỉ đối với học sinh lớp 12 mà cả học sinh lớp 10 và đối với các em học sinh ở bậc trung học cơ sở. Các nhà trường cần có một chương trình kế hoạch định hướng để làm sao học sinh biết được mình, hiểu được mình, nắm vững được năng lực, sở trường, sở thích của mình, phù hợp với xu hướng phát triển nghề nghiệp của đất nước trước mắt và lâu dài để các em xây dựng được một con đường đi hợp lý tránh lãng phí.

    “Tôi tin rằng, với kinh nghiệm nhiều năm trong tư vấn các lĩnh vực, đặc biệt là tư vấn định hướng nghề nghiệp của PGS. TS Phạm Mạnh Hà chắc chắn sẽ mang cho rất nhiều tư liệu bổ ích, nhiều kiến thức bổ ích đối với các thầy cô giáo chủ nhiệm, để sau này định hướng cho các em học sinh, cũng như các bậc phụ huynh học sinh. Cũng xin trân trọng cảm ơn Sở Giáo dục và Đào tạo đã hợp tác để Hải Phòng là 1 trong 2 tỉnh, thành phố đầu tiên nhận được chương trình tư vấn này của Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội”, Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý khẳng định.

    Học sinh, sinh viên có nhiều phân vân trước ngưỡng cửa vào đời

    Xây dựng nền tảng hướng nghiệp và tâm lý giáo dục

    Theo TS Nguyễn Anh Thuấn, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp và Đại học, Sở GD-ĐT, điểm đột phá trong việc tổ chức tọa đàm lần này đó là lần đầu tiên ứng dụng, sử dụng CNTT để đảm bảo tốt buổi hội thảo trực tuyến với số lượng hàng ngàn thày cô tham dự; qua đó khẳng định Hải Phòng là điểm sáng về ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục, dạy và học trực tuyến. Nội dung tọa đàm phù hợp với nhu cầu xã hội và tình hình thực tế của công tác giáo dục, thể hiện sự nhanh nhậy, sát sao của lãnh đạo ngành giáo dục thành phố, sức hút mạnh mẽ của phương pháp mới: Trọng tâm - Trọng điểm và Lan tỏa.

    Tại buổi tọa đàm, chuyên gia tư vấn, PGS. TS Đinh Thị Kim Thoa đã tư vấn về công tác giáo viên chủ nhiệm. Ngoài các nhiệm vụ cần phải thực hiện của giáo viên chủ nhiệm, chương trình còn cung cấp các kỹ năng để có thể tạo động lực, tạo niềm tin đồng thời giúp học sinh khám phá bản thân và hoạch định, xây dựng kế hoạch cuộc đời.

    Chuyên gia tư vấn, PGS. TS Trần Thành Nam cũng đã tư vấn tâm lý học đường, tring đó tập trung vào những kỹ năng nhận diện hành vi cảm xúc thường gặp của học sinh, cách thức hỗ trợ học sinh có các vấn đề hành vi cảm xúc; trở thành người tư vấn hỗ trợ học sinh với các vấn đề hành vi, cảm xúc; 5 giai đoạn tư vấn tâm lý cho học sinh; kỹ năng tư vấn cá nhân.

    Chuyên gia tư vấn, PGS. TS Phạm Mạnh Hà mang đến nội dung tư vấn về hướng nghiệp mùa thi. Qua đó, giúp giáo viên chủ nhiệm có các kỹ năng định hướng nghề nghiệp học sinh với các kiến thức về khung kiến thức cần có để là tư vấn hướng nghiệp hiệu quả; hiểu biết về những sai lầm thường gặp trong chọn nghề của học sinh; hiểu về thị trường lao động; nhóm nghề có nhu cầu tìm việc; kỹ năng tư vấn hướng nghiệp cho học sinh...

    Cũng trong dịp này, Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội và Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành các tài liệu như: Cẩm nang Tổ chức dạy học trực tuyến, Cẩm nang Chăm sóc sức khoẻ tâm thần; Cẩm nang Tư vấn Hướng nghiệp dành cho Học sinh trung học phổ thông;

    Chương trình sẽ tiếp tục được tổ chức vào các ngày thứ 7 hàng tuần 23-5, 30-5 và 6-6.

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông