18:41 27/04/2024 Sáng 27/4, tại trụ sở chính, Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. 91 đại biểu nắm giữ hơn 91% cổ phần có quyền biểu quyết dự đại hội.
Tiên phong nhiều sản phẩm mới
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023, ông Trần Ngọc Bảo, Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc tài chính Nhựa Tiền Phong thông tin, mặc dù chịu ảnh hưởng chung tình hình chính trị quốc tế và sự suy giảm của ngành xây dựng song Nhựa Tiền Phong vẫn duy trì được vị trí là nhà sản xuất ống nhựa lớn nhất Việt Nam.
Cụ thể như, tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 100.000 tấn, doanh thu ghi nhận 5.176 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022; mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán năm 2006 đến nay khi đạt 559 tỷ đồng, vượt 23% so với chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Đáng chú ý, Nhựa Tiền Phong tiếp tục là đơn vị tiên phong trên thị trường khi đưa ra nhiều sản phẩm mới mà chưa có doanh nghiệp trong nước nào sản xuất được như ống uPVC lõi xoắn, trọn bộ sản phẩm ống và phụ tùng nhựa dùng riêng cho hệ thống thoát đạt tiêu chuẩn ISO 3633 hay ống gân sóng PP. Do đó, công nghệ là một yếu tố quan trọng để Nhựa Tiền Phong nâng cao năng lực cạnh tranh và nhận được sự tin tưởng của các đối tác. Cũng trong năm, Nhựa Tiền Phong đã tham gia rất nhiều dự án trọng điểm, mở rộng thêm đơn vị bán hàng tại phía Bắc.
Về lý do khiến doanh thu 2023 chưa đạt như kỳ vọng là do Nhựa Tiền Phong giảm giá bán các sản phẩm để phù hợp với tình hình cạnh tranh, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng và việc phát triển bền vững. Tuy nhiên, Nhựa Tiền Phong đã tìm những hướng đi mới, nắm bắt cơ hội kinh doanh tại các thị trường tiềm năng thông qua việc tiên phong sản xuất các sản phẩm mới dựa trên công nghệ hiện đại của các tập đoàn quốc tế Sekisui, Iplex như ống CPVC chống cháy dùng cho hệ thống PCCC thay thế ống gang mạ kẽm hiện nay hay sắp tới sẽ là sản phẩm Crosswave dùng cho hồ điều tiết nước ngầm, giải pháp cho chống ngập lụt khu đô thị hay trữ nước sạch cho các khu vực hạn hán.
Qua đó, trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất loại sản phẩm này. Dự kiến trong quý III/2024, dòng sản phẩm trên sẽ được sản xuất đại trà, tung ra thị trường và kỳ vọng sẽ đem lại nguồn doanh thu mới cho Nhựa Tiền Phong trong các năm tới.
Việc lấy chủ đề “Sản phẩm tiên phong - Khát vọng nâng tầm” cho năm 2024, Nhựa Tiền Phong đã khẳng định quyết tâm trong việc đưa thương hiệu ra quốc tế thông qua những sản phẩm có tính năng ưu việt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khắt khe như Đức, Nhật Bản, Australia...
Gắn liền trách nhiệm với cộng đồng
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, doanh thu thuần Nhựa Tiền Phong đạt 949 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2023. Song biên lợi nhuận gộp của công ty đã giảm từ 31% còn 29%. Nhựa Tiền Phong ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I/2024 đạt 109 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2024, Nhựa Tiền Phong đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 104.500 tấn và doanh thu bán hàng đạt 5.400 tỷ đồng, cùng tăng 6% so với năm 2023.
Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế lại giảm 13% so với năm 2023, đạt 555 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I/2024, Nhựa Tiền Phong đã thực hiện được 23,5% kế hoạch cả năm. Bước sang quý II/2024, chỉ riêng tháng 4, doanh thu của Nhựa Tiền Phong đã đạt khoảng 600 tỷ đồng.
Tại đại hội, ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong đánh giá cao vai trò của Ban Điều hành, Ban Kiểm toán nội bộ khi đã nhanh chóng đưa ra các định hướng kịp thời, chỉ đạo sát sao, linh hoạt trong xử lý dòng tiền; làm tốt các công tác giám sát, qua đó giúp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, giữ vững vị thế cho thương hiệu Nhựa Tiền Phong.
Đồng thời, HĐQT đã trả lời các cổ đông một số vấn đề như kế hoạch sản xuất kinh doanh; các giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường, kế hoạch đầu tư năm 2024; bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh cũng như về định hướng chiến lược mới khi đầu tư Dự án Trường phổ thông có nhiều cấp học Tiền Phong.
Trao đổi với các cổ đông về định hướng chiến lược giai đoạn mới của Nhựa Tiền Phong tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong Đặng Quốc Dũng khẳng định: “Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được Nhựa Tiền Phong chú trọng không chỉ trong Công ty mà còn cho thành phố Hải Phòng bởi hiện tại Đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển bền vững. Đây không phải là chiến lược đầu tư ngoài ngành mà ngoài việc phát triển sản xuất kinh doanh, Nhựa Tiền Phong luôn là doanh nghiệp gắn liền trách nhiệm với cộng đồng”.
Cụ thể, Dự án Tổ hợp giáo dục Tiền Phong bao gồm đào tạo 3 bậc học: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm bồi dưỡng năng khiếu và kỹ năng mềm, trung tâm thể thao, trung tâm ngoại ngữ. Dự án dự kiến được xây dựng tại số 2 An Đà (phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền) từ năm 2024 – 2026, tổng vốn đầu tư khoảng 623,6 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án sẽ hướng đến phát triển giáo dục và đào tạo đồng bộ với nhu cầu về phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Hải Phòng, góp phần giảm áp lực quá tải đối với khu vực công lập. Đây cũng thể hiện sự tri ân tới lịch sử hình thành và tinh thần trách nhiệm dành cho thế hệ trẻ, đối tượng mà Nhựa Tiền Phong luôn hướng đến trong các hoạt động xã hội từ trước tới nay.
Với các kết quả đạt được trong năm 2023 và mong muốn mang lại quyền lợi cao nhất cho các cổ đông, HĐQT đã chia cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỷ lệ chi trả là 25% vốn điều lệ với tổng kinh phí xấp xỉ 324 tỷ đồng, trong đó đã trả cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15% vào tháng 12/2023 và sẽ tiếp tục chi trả đợt 2 tương đương 129,5 tỷ đồng. Dự kiến mức cổ tức bằng tiền năm 2024 được duy trì ở mức cao là 20% vốn điều lệ.
THỦY NGUYÊN
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh