21:15 04/06/2019
Sáng 4-6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp với nhiều nhóm vấn đề liên quan đến ANTT. Nổi bật trong đó là công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; việc giải quyết các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TTATGT, nhất là xử lý hành vi người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia vượt mức quy định; sử dụng ma túy hoặc chất kích thích gây hậu quả nghiêm trọng…
Toàn cảnh phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
* Phạm pháp hình sự toàn quốc giảm 3%
Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Trong thời gian qua, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta vẫn giữ vững ANQG, TTATXH; tạo môi trường tốt nhất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân. Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là quốc gia ANTT, an toàn, trong đó có sự nỗ lực rất lớn của lực lượng Công an nhân dân.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn ĐBQH tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ rõ, tình hình ANTT tuy đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận song vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ, thách thức lớn, trong đó có nhiều loại tội phạm gây bức xúc trong nhân dân, cử tri, nhất là tội phạm ma túy xuyên quốc gia gia tăng với nhiều vụ vận chuyển ma túy lớn vừa bị bắt giữ. Điều này cho thấy tội phạm đã lợi dụng địa bàn Việt Nam để vận chuyển ma túy sang nước thứ ba. Trong khi đó, ở nội địa, số người nghiện ma túy rất lớn, công tác cai nghiện còn nhiều bất cập… Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, sau khi bị trấn áp mạnh, tội phạm “tín dụng đen” đã bị kiềm chế, nhiều cơ sở đã dừng hoạt động. Riêng tội phạm mua bán, xâm hại trẻ em đang là vấn nạn nhức nhối và thậm chí có hình thức mới là mua bán bào thai qua biên giới, nhưng việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tội phạm xuyên quốc gia có yếu tố nước ngoài, người nước ngoài phạm tội cũng có chiều hướng gia tăng và xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt. Rồi nữa là tai nạn giao thông, nạn sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cũng là vấn đề cần sự chung tay giải quyết của toàn xã hội.
Bộ trưởng Tô Lâm đặc biệt nêu rõ: Chủ trương của Bộ Công an là quyết liệt làm giảm tội phạm và từ đầu năm 2019 đến nay đã giảm 3% số vụ phạm pháp hình sự. Bộ đã chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện đồng bộ các giải pháp cho mục tiêu này và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm
* Quản lý chặt đối tượng “ngáo đá”, tâm thần gây án
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về quản lý người nghiện ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, Bộ đã xác định tội phạm ma túy là một trong những nguyên nhân nảy sinh tội phạm trộm, cướp, giết người... Ước tính, cứ mỗi bánh heroin được tuồn vào trong nước thì 10 gia đình có 1 người đi tù về ma túy, vi phạm pháp luật vì ma túy. Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ Công an đang đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung, khôi phục Điều 199, BLHS 1999 về tội “Sử dụng trái phép chất ma túy”. Để đẩy lùi ma túy cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành, cộng đồng cơ sở, khu dân cư, nhất là trong công tác quản lý chặt người nghiện ngoài xã hội, trong gia đình cũng như quản lý tại các cơ sở cai nghiện. Cùng với đó cần có giải pháp phối hợp hiệu quả với các lực lượng chức năng, cảnh sát quốc tế để phát hiện các đường dây mua bán ma túy.
Đối với các đối tượng “ngáo đá”, người tâm thần gây án mà một số đại biểu quan tâm, chất vấn, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đây là vấn đề thực tế xảy ra hiện nay. Giải pháp trước mắt là tăng cường hướng dẫn công an các địa phương trong việc quản lý những đối tượng này. Bộ trưởng cho biết: “Dù khả năng gây án của nhóm đối tượng này là rất lớn, nhưng trên thực tế khi họ chưa phạm tội thì chưa thể xử lý được. Chỉ có thể theo dõi và phòng tránh”.
* Tăng cường phòng chống tội phạm ma túy quốc tế
Về phòng, chống tội phạm ma túy, đặc biệt là ma túy quốc tế, theo Bộ trưởng Tô Lâm: Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến công tác này và Bộ Công an cũng đã chủ động dự báo được tình hình. Trên cơ sở đó, ngành Công an phối hợp với các lực lượng chức năng khác sẽ quyết liệt triển khai, kích hoạt các biện pháp phòng, chống. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm cũng nhấn mạnh, tội phạm ma túy là vấn đề tội phạm quốc tế, không quốc gia nào không có sự hợp tác mà có thể giải quyết được, chưa nói tình hình ma túy trên thế giới hiện nay đang diễn biến hết sức phức tạp. Riêng đối với Việt Nam, Asean đã có lập trường chung, đó là phòng chống ma túy. Từ tháng 10-2018, Bộ Công an đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đăng cai chủ trì Hội nghị Bộ trưởng các nước Asean và có Tuyên bố cấp Bộ trưởng vào tháng 3 vừa qua, nêu rõ các nước Asean đoàn kết chống loại tội phạm này.
Đại tướng Tô Lâm thông báo, năm 2018, Bộ Công an đã ngăn chặn lượng ma túy lớn qua các tỉnh Tây Bắc, chủ yếu là Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La. Sau khi bị trấn áp, các đối tượng chuyển hướng vào các tỉnh miền Trung, miền Nam. Đặc biệt, từ năm 2019 ma túy ở nước ta đã có sự can thiệp, chỉ đạo của các đối tượng tội phạm là người nước ngoài. Vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước như Lào, Singapore, Campuchia, Malaysia…
Về giải pháp, trong thời gian tới Bộ Công an sẽ thực hiện đồng bộ, song song các giải pháp chặn nguồn cung, giảm nguồn cầu trong nước; tiếp tục tập hợp các nguồn lực, tăng cường phối hợp với các lực lượng phòng, chống ma túy…
Về lĩnh vực xử phạt vi phạm TTATGT, theo Bộ trưởng Tô Lâm, bất cập hiện nay là việc điều chỉnh TTATGT mới trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ, trong đó một số văn bản dưới luật, tiêu chí quản lý giao thông đường bộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ trưởng đề xuất với Quốc hội xem xét xây dựng Luật bảo đảm TTATGT, vì đây là vấn đề gây bức xúc hiện nay trong xã hội.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã trả lời nhiều vấn đề “nóng” các đại biểu Quốc hội nêu ra như: vụ sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT ở một số địa phương; vụ án hiếp dâm trẻ em ở Chương Mỹ, Hà Nội; vụ “cưỡng hôn” phạt 200.000 đồng… Đặc biệt, Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất Quốc hội xây dựng Luật về lực lượng bảo vệ ANTT cơ sở để điều chỉnh về hoạt động của các lực lượng bán chính quy, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp, thậm chí cả “hiệp sĩ đường phố” để qua đó phát động mạnh mẽ phong trào Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm…
Cũng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí cùng tham gia trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, với tinh thần trách nhiệm cao cùng với kinh nghiệm trong công tác điều hành thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đồng thời, nhận trách nhiệm đối với những mặt còn hạn chế và đưa ra nhiều giải pháp trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, thời gian qua công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm ANTT đã có những kết quả tích cực, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công an tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, bảo đảm ANTT trong thời gian tới.
THẾ KHOA tổng hợp
10:28 23/12/2024
16:33 22/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết