16:13 10/11/2024 Góp ý về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các đại biểu cơ bản nhất trí cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình này nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị cần rà soát, làm rõ cơ sở xác định các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình này sao cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi, chặt chẽ cũng như cần bố trí nguồn lực xứng đáng để triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, các đại biểu cơ bản tán thành chủ trương đầu tư Chương trình này nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cam kết quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống ma túy thời gian qua…
Các ý kiến cho rằng, thực trạng tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy hiện nay đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm các giá trị đạo đức xã hội, sức khỏe một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên, để lại hệ lụy cho gia đình, xã hội.
Đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của các mục tiêu, giải pháp, nguồn lực thực hiện
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh sự cấn thiết ban hành chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. “Vấn đề giảm cầu và giảm tác hại đã là công việc khó, còn giảm cung là công việc cực kỳ khó vì Việt Nam dễ trở thành trung tâm trung chuyển, sản xuất và tiêu thụ lớn về ma túy. Với tính chất “cung” rất phức tạp, thủ đoạn hết sức xảo quyệt…, do đó, Chương trình này là hết sức cấp thiết và xác định ở tầm quốc gia là phù hợp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, UBTVQH đề nghị cần có Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, bổ sung Báo cáo này vào hồ sơ, từ đó mới có thể xác định mục tiêu, chỉ tiêu cho giai đoạn tiếp theo. UBTVQH cũng yêu cầu đảm bảo tính hiệu quả, khả thi và sự tương thích, phù hợp của các mục tiêu, giải pháp với dự kiến bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình.
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần phân bổ nguồn lực thế nào cho hợp lý và tập trung đầu tư vào cái gì, “chẳng hạn như tập trung đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đầu tư cho lực lượng chức năng để giảm được nguồn cung mới là vấn đề quan trọng, chứ không nên xây dựng nhiều trung tâm cai nghiện ở cơ sở vì dễ bỏ hoang”.
Đồng thời, cần kết hợp chặt chẽ giữa phòng với chống, giữa “giảm tác hại” với “giảm cầu”, đấu tranh để “giảm cung” cần có các lực lượng chuyên trách (công an là chủ lực, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển…) và lực lượng rộng rãi (ý thức của người dân); tập trung rà soát giữa Chương trình này với các Chương trình mục tiêu quốc gia khác để tránh trùng lặp.
Làm rõ cơ sở xác định các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình
Quan tâm đến nội dung này, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, tình hình mua bán, sử dụng ma túy ngày càng phức tạp, hoạt động có tổ chức, tính chất ngày càng manh động, tinh vi. Tình hình sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, ma túy xâm nhập đến cả vùng nông thôn, trường học. Do đó, đại biểu hy vọng, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 sẽ là thông điệp mạnh mẽ đấu tranh đẩy lùi tệ nạn ma túy hiện nay.
Về mục tiêu của Chương trình, theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, mục tiêu quan trọng nhất là tập trung giảm cung, nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng người sử dụng, từ đó gây ra các hệ lụy cho xã hội. Đại biểu nhận thấy, với các chỉ tiêu đề ra hằng năm đối với nhiệm vụ giảm cung là: số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ tại khu vực biên giới, tuyến đường biển, đường hàng không, chuyển phát nhanh tăng trên 3%; số vụ phạm tội về ma túy có tổ chức xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ tăng trên 3%; số vụ phạm tội lợi dụng không gian mạng được phát hiện, triệt phá tăng trên 5%... Đại biểu băn khoăn, với chỉ tiêu như vậy, đến năm 2030 liệu có đảm bảo đạt được mục tiêu đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, triệt xoá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy như đã đề ra hay không? Do đó, đề nghị đánh giá làm rõ hơn các chỉ tiêu này.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, mục tiêu của Chương trình còn chung chung, cần xem xét, nghiên cứu định lượng hơn nữa và phải thể hiện đến năm 2030 phải đạt kết quả cụ thể, nổi trội hơn so với thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của Chưởng trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Để đảm bảo thống nhất giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị rà soát, đánh giá để không có sự trùng lặp với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025 - 2035 đang được trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
“Nếu trùng lặp các chương trình thì cần nghiên cứu tích hợp vào một chương trình để thực hiện, quản lý thống nhất. Cụ thể như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tiểu dự án hoặc dự án bảo đảm an ninh trật tự với mục tiêu bao trùm về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội thì nên tích hợp vào Chương trình này trong giai đoạn mới 2026 - 2030 để thực hiện thống nhất, hiệu quả”, đại biểu kiến nghị.
Chỉ rõ thực trạng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp với khối lượng lớn hơn nhiều so với trước đây, đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang khẳng định sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, một số chỉ tiêu của Chương trình đặt ra còn hơi cao. “Theo Tờ trình của Chính phủ, đối với nhóm chỉ tiêu về giảm cung cần đạt được đến năm 20230, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%. Từ nay đến năm 2030, chỉ tiêu đặt ra tuyệt đối như vậy liệu có chủ quan quá không nên tôi rất băn khoăn”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Leo Thị Lịch - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
Do vậy, đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị Chính phủ cần đánh giá triệt để tác động kinh tế và tác động xã hội của Chương trình này để đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi.
Về đề xuất giảm chỉ tiêu tỉ lệ vụ phạm tội về ma túy được phát hiện và bắt giữ toàn quốc mỗi năm 5% xuống còn 3%, đại biểu Leo Thị Lịch băn khoăn cơ sở nào để đưa ra chỉ tiêu này, cần đánh giá sát và kỹ lưỡng. Vì qua nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động, đại biểu không thấy kết quả đánh giá trong 5 năm thực hiện phòng chống ma túy đã giảm được cụ thể bao nhiêu % theo chỉ tiêu đề ra của giai đoạn đó.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần xây dựng các chính sách của Chương trình cho sát về phân bổ kinh phí, phân bổ nguồn lực cho từng dự án thành phần của các ngành (công an, quân đội, bộ đội biên phòng…) chủ trì để thực hiện, tránh tình trạng khi ban hành gặp vướng mắc, không thực hiện được; xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình này phải đảm bảo chặt chẽ, khả thi để Nghị quyết khi được ban hành đạt được mục tiêu đề ra.
Về việc đảm bảo các chính sách thực hiện Chương trình, đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung các nội dung liên quan đến việc đảm bảo chính sách dân tộc vào dự thảo Nghị quyết, nhất là đối với các dự án thành phần của Chương trình đề ra để triển khai thực hiện đến năm 20230.
Để đạt được hiệu quả, đại biểu đề nghị cần chú ý đến các đặc thù phù hợp với vùng dân tộc thiểu số trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện và đấu tranh với tội phạm ma túy, giúp người dân dễ tiếp cận, cập nhật thông tin tại trụ sở ở cấp xã (như công an xã, tại nhà văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…). Đồng thời cần có hướng dẫn cụ thể, khuyến khích đồng bào tích cực tố giác tội phạm ma túy ở các vùng này nhưng phải bảo vệ, đảm bảo an toàn cho người dân vì tội phạm ma túy rất manh động, khó lường. Đại biểu cho rằng, cần bổ sung 2 nội dung này vào dự thảo Nghị quyết để khi triển khai thực hiện có thể vận dụng được ngay.
Cần có nguồn lực xứng đáng để thực hiện Chương trình hiệu quả
Đồng tình, nhất trí cao việc Quốc hội ban hành chủ trương đầu tư Chương trình này, đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, việc đấu tranh phòng, chống ma túy và các hành vi liên quan đến ma túy rất quan trọng. Trước tình hình về tội phạm ma túy đang diễn ra rất tinh vi, nhiều thủ đoạn, gây ra nhiều tác hại và hệ lụy rất lớn cho xã hội, đại biểu nhấn mạnh, cần phải có nguồn lực xứng đáng để đầu tư, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy cho hiệu quả.
Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An
Về nội dung Chương trình, đại biểu Trần Đức Thuận đề nghị cần tách riêng các vấn đề và quy định cho rõ ràng: Đấu tranh có hiệu quả vấn đề “cung” - việc cung cấp trái pháp luật, vấn đề “cầu” - việc sử dụng trái phép chất ma túy, đấu tranh làm giảm tác hại chất ma túy. Đồng thời đề nghị bổ sung một mục đầu tư cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy. Vì đầu tư cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy sẽ phải dành một khoản rất lớn, cần sự quan tâm xứng đáng cho lực lượng này và phải có mục chi rất cụ thể.
Vì vậy, đại biểu Trần Đức Thuận đề nghị mục tiêu của Chương trình này phải cụ thể 4 vấn đề về: giảm cung; giảm cầu; giảm tác hại; về đầu tư cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy.
Liên quan đến vấn đề bố trí vốn, nguồn lực thực hiện, đại biểu nêu quan điểm: Nếu nguồn lực của đất nước có điều kiện thì chúng ta nên mạnh dạn đầu tư cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy. Còn nếu chúng ta không đầu tư thỏa đáng thì hiệu quả thực hiện Chương trình này sẽ không cao. Cùng với đó, phải giao nhiệm vụ cho lực lượng chuyên trách, cho chính quyền địa phương các cấp để giảm được tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật về ma túy. Còn với các địa phương tội phạm ma túy không giảm, hành vi vi phạm pháp luật về ma túy không giảm thì cần quy định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu, trách nhiệm của chính quyền địa phương./
Theo CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ QUỐC HỘI VIỆT NAM
20:38 22/12/2024
15:50 22/12/2024
14:00 21/12/2024
13:59 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về dịch vụ nổ mìn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết